Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar hôm thứ Hai (20/5) nói rằng Mỹ đã hỗ trợ kêu gọi cho Đài Loan được cấp tư cách quan sát viên tại đại hội thường niên của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).

Embed from Getty Images

Một người biểu tình ủng hộ Đài Loan cầm một lá cờ ghi “UN for Taiwan” đứng bên ngoài văn phòng Liên Hợp Quốc tại Geneve, Thụy Sĩ trong ngày khai mạc Đại hội Y tế Thế Giới hôm 22/5/2017. (Ảnh: FABRICE COFFRINI/AFP/Getty Images)

Ông Alex Azar đưa ra phát biểu nêu trên khi đang có mặt tại Geneve, Thụy Sĩ để chuẩn bị dự khai mạc đại hội WHO thường niên. Trước đó, Trung Quốc đã ngăn chặn Đài Loan tham gia đại hội này. Chế độ Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hòn đảo dân chủ tự trị Đài Loan theo chính sách “một Trung Quốc” mà họ ban hành năm 1972.

Mỹ từ năm 1979 không có quan hệ ngoại giao chính thức với Đài Loan nhưng vẫn là đồng minh lớn nhất của đảo quốc này theo “Đạo luật Quan hệ Đài Loan”. Washington cũng là nguồn cung cấp vũ khí chính của chế độ Đài Bắc.

Nhiều năm trước, Trung Quốc vẫn cho phép Đài Loan gửi quan sát viên tới đại hội thường niên WHO, nhưng trong vài năm gần đây Bắc Kinh đã không tiếp tục duy trì việc này do mâu thuẫn giữa chính quyền Trung Quốc Đại Lục và Đài Loan ngày càng gia tăng từ sau khi bà Thái Anh Văn – một chính trị gia được cho là chủ trương tuyên bố Đài Loan độc lập chính thức – đắc cử tổng thống Đài Loan năm 2016.

Từ khi bà Thái lãnh đạo Đài Loan, Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực lên hòn đảo dân chủ này cả về quân sự và ngoại giao. Bắc Kinh thường xuyên tổ chức tập trận bao vây đảo Đài Loan và dùng sức mạnh kinh tế để mua chuộc các đồng minh của Đài Loan, yêu cầu họ cắt đứt quan hệ với Đài Bắc và chỉ thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Bắc Kinh. Bắc Kinh đã thành công với El Salvador, Burkina Faso, Cộng hòa Dominica, Sao Tome & Principe và Panama.

Cho tới nay, Đài Loan chỉ còn lại 17 nước đặt quan hệ ngoại giao chính thức, phần nhiều trong số đó là các quốc gia nhỏ, kém phát triển ở Trung Mỹ và Thái Bình Dương như Belize và Nauru.

Trao đổi về tư cách quan sát viên của Đài Loan tại WHO, Bộ trưởng Azar nói: “Chúng tôi ủng hộ Đài Loan có vị thế tại Đại hội Y tế Thế giới như trước đây họ đã có.”

“Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là 23 triệu dân [Đài Loan] có một tiếng nói và có thể chứng kiến các tiến trình ở đây và là một phần của đại hội này một cách thích hợp, phù hợp với thông lệ quá khứ,” ông Azar nói thêm.

Mặc dù công khai ủng hộ Đài Loan, nhưng ông Azar cũng vẫn muốn giữ hòa khí với Trung Quốc. Bộ trưởng Y tế Mỹ nói: “Chúng tôi có mối quan hệ tốt với Trung Quốc, đặc biệt về lĩnh vực y tế.”

Xuân Thành