Các nhà ngoại giao cấp cao của Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu bày tỏ lo ngại ngày càng tăng của họ về chiến dịch gây sức ép và sự “bắt nạt” của Trung Quốc đối với Litva và Đài Loan, trong bối cảnh hai chính phủ dân chủ tiếp tục thách thức Bắc Kinh nhằm tạo dựng một mối quan hệ chặt chẽ hơn.

Embed from Getty Images

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman cho biết: “Chúng tôi chia sẻ nhiều lo ngại với các đối tác xuyên Đại Tây Dương về các hành động của CHND Trung Hoa, bao gồm cả việc bắt nạt Lithuania lẫn Đài Loan nhằm đáp trả lại ý định muốn làm sâu sắc thêm mối quan hệ kinh tế và văn hóa cùng có lợi giữa hai bên”.

Các bình luận được đưa ra vào ngày thứ hai của cuộc hội đàm tại Washington giữa bà Sherman và người đồng cấp EU, Tổng thư ký Cơ quan Hành động Đối ngoại châu Âu Stefano Sannino. Cuộc hội đàm này, được gọi là “Đối thoại Hoa Kỳ – EU về Trung Quốc”, là một phần của sáng kiến ​​giữa các chính phủ hai bên nhằm tìm kiếm sự thống nhất trong chính sách Trung Quốc.

“Những gì đang xảy ra với Lithuania là cực kỳ đáng lo ngại,” ông Sannino cho biết hôm thứ Sáu. “Chúng tôi rất lo lắng về các biện pháp gần đây mà Trung Quốc công bố đối với Lithuania.”

Trước đó, Litva tuyên bố rằng Trung Quốc đang chặn xuất khẩu của quốc gia họ nhằm ltrả đũa động thái mở “Văn phòng Đại diện Đài Loan” của Vilnius vào tháng trước. Văn phòng này gọi thẳng tên “Đài Loan” thay vì “Đài Bắc”.

Bắc Kinh coi Đài Loan dân chủ là lãnh thổ của riêng mình và đã đe dọa sẽ kiểm soát hòn đảo bằng vũ lực nếu cần thiết.

“Tôi lấy làm tiếc về quyết định này của các nhà chức trách Trung Quốc,” Tổng thống Litva Gitanas Nauseda cho biết hôm thứ Sáu.

Một tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc hội đàm cho biết EU và Mỹ đã “xác nhận lại mối quan tâm của họ đối với sự ổn định và hiện trạng ở eo biển Đài Loan, và cả hai bên đều ghi nhận mối quan tâm chung trong việc tăng cường hợp tác với Đài Loan, phù hợp với chính sách ‘một Trung Quốc’ tương ứng của họ.”

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Sáu khẳng định rằng Hoa Kỳ “kiên quyết cam kết đảm bảo Đài Loan có đủ phương tiện để tự vệ”.

Ông Blinken nói: “Tôi hy vọng rằng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc suy nghĩ thật kỹ về điều này và không để dẫn đến một cuộc khủng hoảng có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp cho rất nhiều người.”

Mỹ hiện vẫn duy trì chính sách “mơ hồ chiến lược” với Đài Loan, nghĩa là hiện nay vẫn chưa rõ ràng liệu Washington sẽ phản ứng như thế nào nếu Bắc Kinh tấn công Đài Loan.

Hiện EU được cho là đang tham gia tích cực hơn trong chiến lược cạnh tranh và thậm chí là đối đầu với Trung Quốc.

EU đã hành động chung với Mỹ trong một số trường hợp, bao gồm việc trừng phạt nhân quyền vào tháng 3 đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến việc đàn áp người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương.

Nhưng dường như Brussels cũng không muốn đẩy mọi thứ đi quá xa, đặc biệt là sau khi Bắc Kinh đáp trả các lệnh trừng phạt đó bằng cách cắt đứt một số đường dây liên lạc.

Xuân Lan

Xem thêm: