Hôm thứ Hai, người dân Myanmar tiếp tục tổ chức các cuộc biểu tình yêu cầu khôi phục chính phủ của bà Aung San Suu Kyi, đồng thời kêu gọi sự phối hợp sâu rộng hơn trên toàn quốc giữa các nhóm biểu tình, bất chấp các động thái cứng rắn của quân đội nhằm trấn áp nỗ lực của họ.

Embed from Getty Images

Theo các nhà hoạt động nói với Reuters, 6 người đã thiệt mạng vào cuối tuần khi cảnh sát và binh lính sử dụng vũ lực để ngăn chặn các cuộc biểu tình mà một số người đang gọi là “cuộc cách mạng mùa xuân”.

Ít nhất 557 người đã thiệt mạng kể từ khi cuộc đảo chính xảy ra vào ngày 1/2, chỉ vài giờ trước khi Quốc hội mới được triệu tập.

Trong một bài phát biểu trước các binh sĩ được đăng tải trên các phương tiện truyền thông nhà nước hôm Chủ nhật, Thống tướng Min Aung Hlaing cho biết lực lượng an ninh đang “thực hiện kiềm chế tối đa” đối với “những kẻ bạo loạn có vũ trang” đang sử dụng bạo lực và gây ra ình trạng vô chính phủ.

Hiệp hội tù nhân chính trị (AAPP) cho biết khoảng 2.658 người đang bị giam giữ dưới chế độ quân đội.

Chính quyền quân đội vào cuối tuần đã công bố lệnh bắt giữ hơn 60 người nổi tiếng, người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, người mẫu và nhạc sĩ với tội danh “kích động”.

Hoa hậu Han Lay, người đại diện Myanmar tham gia cuộc thi Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình quốc tế) vào tuần trước, đã tạm thời phải lưu lại Thái Lan do lo ngại quân đội sẽ trả thù, khi cô tận dụng sân khấu quốc tế để kêu gọi thế giới chống lại quân đội và giúp đỡ người dân Myanmar.

Bất chấp sự đàn áp tàn bạo của quân đội, chiến dịch chống lại chính quyền quân sự vẫn tiếp tục diễn ra, bao gồm các cuộc tuần hành trên đường phố, chiến dịch bất tuân dân sự và các hành động khác được tổ chức trên mạng xã hội. Quân đội đã tìm cách kiểm soát thông tin bằng cách đóng mạng wifi và và dữ liệu di động.

Những người biểu tình đã cầm theo biểu ngữ, hình ảnh bà Suu Kyi, cùng các khẩu hiệu yêu cầu sự can thiệp của quốc tế, tuần hành qua các đường phố tại Mandalay.

Người biểu tình cũng kêu gọi sự phối hợp trên toàn quốc, bao gồm cả các nhóm dân tộc thiểu số đã đứng về phía phong trào chống đảo chính.

“Hãy vỗ tay trong năm phút vào 5h chiều ngày 5/4 để vinh danh các Tổ chức Vũ trang Dân tộc và những thanh niên quốc phòng Thế hệ Z từ Myanmar, những người đang chiến đấu trong cuộc chiến cách mạng thay mặt chúng ta,” Ei Thinzar Maung, một nhà lãnh đạo cuộc biểu tình, đăng trên Facebook.

Vào ngày lễ Phục sinh (Chủ nhật), người biểu tình cũng đã ghi các thông điệp phản đối vào quả trứng Phục sinh, như “chúng ta phải chiến thắng” và “thoát khỏi MAH” – ám chỉ thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing.

Áp lực từ bên ngoài đang gia tăng đối với quân đội để ngăn chặn các vụ giết người. Một số quốc gia kêu gọi quân đội nhượng lại quyền lực và trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ, trong khi những quốc gia khác thúc giục đối thoại và sớm bầu cử lại.

Hôm thứ Hai, Fitch Solutions cho biết tình hình ở Myanmar đã “vượt quá mức không chắc chắn” và dự báo nền kinh tế của nước này sẽ giảm 20% trong năm tài chính bắt đầu vào tháng 10, thay vì 2% như trước cuộc đảo chính.

Lê Xuân

Xem thêm: