Từ việc binh lính bắn người một cách ngẫu nhiên trên đường phố, cho đến nguy cơ nền kinh tế sắp sụp đổ sớm xảy ra, nỗi bất an đã ngày càng tăng lên ở Myanmar. Tuy vậy, nỗi bất an đã dần chuyển thành cơn thịnh nộ muốn lật đổ chính quyền quân đội khi sự tàn bạo không có dấu hiệu dừng lại.

Nỗi bất an đã tăng lên trước Ngày Lực lượng Vũ trang vào thứ Bảy, khi quân đội dự kiến ​​sẽ đáp trả những người biểu tình bằng một cuộc trấn áp tàn bạo.

Nhưng những gì đã xảy ra còn thảm khốc hơn thế. Một em bé một tuổi đang chơi bên ngoài đã sống sót khi bị đạn cao su bắn vào mắt, nhưng những đứa trẻ khác, trong đó có một bé gái 13 tuổi, đã thiệt mạng. Ít nhất sáu trẻ em từ 10 đến 16 tuổi nằm trong số những người thiệt mạng hôm thứ Bảy, theo các bản tin và các nhân chứng.

Trong khi bầu trời đêm ở thủ đô Naypyidaw phút chốc bừng sáng với màn trình diễn máy bay không người lái của thủ lĩnh quân đội Min Aung Hlaing, quân của ông ta đã thiêu sống một người bán đồ ăn nhẹ ở Mandalay. 

Ít nhất 114 thường dân đã thiệt mạng trong ngày thứ Bảy đẫm máu, theo cổng thông tin Myanmar Now. 

Lực lượng an ninh Myanmar thậm chí đã nổ súng vào đám đông đang đưa tang 1 trong số 114 người thiệt mạng vào ngày hôm trước tại thị trấn Bago, gần thủ đô Yangon, theo ba người đã cung cấp thông tin cho Reuters.

“Trong khi chúng tôi [đang] hát bài hát tưởng nhớ anh ấy, lực lượng an ninh đến và bắn vào chúng tôi,” người phụ nữ tên là Aye, người tham dự đám tang của sinh viên 20 tuổi bị bắn chết Thae Maung Maung, cho hay. “Mọi người đã bỏ chạy khi họ nổ súng.”

Ít nhất hai người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình ở những nơi khác vào Chủ nhật.

Tại Yangon, cảnh sát đã phải dựng rào chắn xung quanh nơi đồn trú vì sợ bị trả thù.

Cuộc đổ máu mới nhất đã khiến phương Tây lên án mạnh mẽ. Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp quốc về Myanmar Tom Anderws cho biết quân đội đang thực hiện “các vụ giết người hàng loạt”. Ông kêu gọi thế giới cô lập và ngừng cung cấp vũ khí cho quân đội.

Ông Andrews cũng nói đã đến lúc thế giới phải hành động – nếu không thông qua Hội đồng Bảo an LHQ, thì phải thông qua một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp quốc tế. Ông nói rằng nguồn tài trợ của chính phủ quân sự, chẳng hạn như doanh thu từ dầu và khí đốt, nên bị cắt.

Ông cho biết: “Những lời lẽ lên án hoặc quan ngại đang trở nên vô nghĩa với dân Myanmar khi quân đội chính thức phạm tội giết người hàng loạt đối với họ.”

Tuy vậy, các lời chỉ trích và các biện pháp trừng phạt do một số quốc gia phương Tây áp đặt cho đến nay đã không thể lay chuyển được các nhà lãnh đạo quân sự.

Đối với một số người dân Myanmar, nỗi sợ hãi đã biến thành cơn thịnh nộ trước sự vô nhân đạo, vô pháp luật và bất tài của quân đội. Nhiều người dân giờ đây có nhận thức rằng, chiến đấu và đánh bại quân đội, lực lượng còn được gọi là Tatmadaw, là cách duy nhất để thoát khỏi chế độ độc tài này. Một số người biểu tình đã chuyển đến lãnh thổ do phiến quân dân tộc nắm giữ để tham gia huấn luyện chiến đấu, trong khi một nhóm đại diện cho chính phủ được bầu của Myanmar đã ám chỉ về việc thành lập quân đội liên bang bao gồm các nhóm vũ trang dân tộc và những người ủng hộ dân chủ.

Hôm Chủ nhật, giao tranh đã nổ ra giữa một nhóm vũ trang khác, Quân đội Độc lập Kachin, và quân đội ở khu vực khai thác ngọc bích của Hpakant ở phía bắc. Lực lượng Kachin đã tấn công một đồn cảnh sát và quân đội đã đáp trả bằng một cuộc tấn công trên không, truyền thông Kachinwaves đưa tin. Không có báo cáo về thương vong.

“Chúng tôi tri ân những anh hùng của chúng tôi, những người đã hy sinh mạng sống trong cuộc cách mạng này và chúng tôi phải giành chiến thắng trong cuộc cách mạng này”, một trong những nhóm phản đối chính, Ủy ban Tổng đình công các Dân tộc (GSCN), đăng trên Facebook.

“Chế độ sẽ thất bại,” một người biểu tình giấu tên 24 tuổi, có hai người bạn bị bắt hôm thứ Bảy và người cho biết. “Chính phủ liên bang sẽ chiến thắng.”

Trong khi nhiều người nước ngoài và người dân địa phương đang cố gắng rời khỏi đất nước trước các vụ bạo lực và khả năng xảy ra nội chiến, những người ở lại đã củng cố thêm quyết tâm của họ.

Một thanh niên 19 tuổi đã mô tả cuộc đàn áp đẫm máu nhất vào cuối tuần này là “một mất mát cho tương lai”, vì những người trẻ tuổi đã bị giết. Anh nói: “Người dân rất tức giận và giờ đây mong muốn thậm chí còn mạnh mẽ hơn để xóa bỏ quân đội, nhưng hiện mọi người vẫn bối rối về những bước tiếp theo cần làm cho phong trào ủng hộ dân chủ.”

Một sinh viên đại học giấu tên khác cho biết: “Mọi người đều ghê tởm khi thấy các nhà lãnh đạo quân đội ăn mừng bằng một cuộc diễu hành lớn và một bữa tiệc tối khi trước đó cùng ngày họ đã tàn sát hơn một trăm người.”

“Hành động của quân đội chỉ khiến mọi người tức giận hơn,” người sinh viên nói. “Chúng tôi tức giận hơn là sợ hãi.”

Lê Xuân (theo Guardian)

Xem thêm: