The National Pulse đưa tin độc quyền rằng ông Thomas Zimmerman, người sắp tới đây sẽ là trợ lý đặc biệt về các vấn đề nhân sự của ông Biden, từng là học giả thỉnh giảng tại “Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải”, nơi được FBI gọi là bình phong của “Tổ chức Thu thập Tình báo và Tuyển mộ Điệp viên Nước ngoài của Đảng Cộng sản Trung Quốc “.

Ông Thomas Zimmerman (Ảnh: Twitter)

Ông Zimmerman cũng là phó trưởng nhóm chuyển giao Biden, chịu trách nhiệm về nhân viên an ninh quốc gia, nhưng trang web chuyển giao không đề cập đến mối quan hệ này trong phần lý lịch của ông.

Trong nhiệm kỳ là nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Các vấn đề Quốc tế của Đại học New York, ông Zimmerman từng kiêm nhiệm là nghiên cứu viên tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. FBI cho rằng cơ quan này có quan hệ mật thiết với Bộ An ninh Quốc gia, cơ quan gián điệp cao nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Các quan chức cấp cao của ĐCSTQ thường sử dụng Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải để che đậy danh tính và sử dụng nhân viên của mình để tuyển dụng gián điệp ở nước ngoài.

Vào năm 2019, Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cũng dính vào một vụ án hình sự liên quan đến việc Kevin Mallory, cựu nhân viên của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), bán tài liệu bí mật quốc phòng của Mỹ cho Trung Quốc vào năm 2017. Năm 2019, Mallory bị Tòa án Liên bang Hoa Kỳ kết án 20 năm tù. Các tài liệu của tòa án cho thấy anh ta là điệp viên được tuyển dụng bởi một nhân viên tình báo Trung Quốc tại Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải.

Một bài báo trên trang web của tổ chức phi lợi nhuận Hoa Kỳ “Homeland Security Today” đã mô tả mối quan hệ của ông Zimmerman với Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Ông là một học giả thỉnh giảng tại Học viện, tập trung vào các chính sách khu vực ở Afghanistan, Somalia và Trung Quốc.

Ông Zimmerman cũng từng cùng ông Lý Lập Phàm (Li Lifan), một nhà tư vấn của ĐCSTQ tổ chức một buổi thảo luận học thuật tại Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ Thượng Hải (SIAS), chủ đề “Chống khủng bố ở Afghanistan và Pakistan, các vấn đề an ninh ở Trung Á và quan điểm của Hoa Kỳ trong Sáng kiến ​​’Một vành đai – một con đường’ và các vấn đề an ninh ở Nam Á.”

Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ Thượng Hải do ĐCSTQ tài trợ, có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ tư vấn cho chính quyền trung ương và các nhà hoạch định chính sách địa phương.

Vào tháng Tám năm ngoái, FBI đã điều tra Viện Brookings, một tổ chức tư vấn nổi tiếng của Washington, lý do là vì Viện này có mối quan hệ hợp tác với Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải. Viện Brookings đã thuê nhiều cựu quan chức Chính phủ Hoa Kỳ và hơn 20 cố vấn chính sách đối ngoại cho nhóm vận động bầu cử của ông Biden. Do đó, ngoại giới nghi ngờ rằng có khả năng ĐCSTQ đã sử dụng mối quan hệ hợp tác của mình với nhóm tư vấn này để tham gia vào các hoạt động gián điệp chống lại Hoa Kỳ.

Hãng thông tấn Quốc tế AFP bình luận rằng điều mà ông Biden ngay lập tức phải đối mặt sau khi nhậm chức là làm thế nào để giải quyết một số vấn đề quốc tế lớn cực kỳ phức tạp, trong đó, mối quan hệ Mỹ – Trung là quan trọng hàng đầu.

Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden nói rằng Hoa Kỳ phải cứng rắn với Trung Quốc (ĐCSTQ). Nhưng việc ông cứng rắn với Bắc Kinh như thế nào thì vẫn còn là một điều rất mơ hồ.

Mặc dù ông Biden trước nay luôn chủ trương hợp tác với Bắc Kinh, nhưng ông hy vọng rằng trong tương lai, ông có thể cho thấy các hành động cụ thể của mình là thích ứng với sự đồng thuận của hai đảng và xã hội Hoa Kỳ, tức là coi ĐCSTQ là đối thủ mà Hoa Kỳ không thể nhượng bộ.

Tuy nhiên, hãng thông tấn AFP phân tích và nhận định rằng, làm thế nào để đạt được sự cân bằng giữa cuộc đối đầu ý thức hệ gay gắt Hoa Kỳ – Trung Quốc và sự hợp tác toàn cầu cần thiết về khí hậu, chống lại dịch bệnh…là một nhiệm vụ khó khăn đối với ông Biden.

Tiêu Nhiên

Xem thêm: