Hôm 4/3, các đồng minh NATO đã bác bỏ yêu cầu của Ukraine về một vùng cấm bay, nói rằng họ đang tăng cường hỗ trợ nhưng việc can thiệp trực tiếp sẽ dẫn đến một cuộc chiến tranh rộng lớn và thậm chí tàn khốc hơn.

Embed from Getty Images

“Chúng tôi không phải là một phần của cuộc xung đột này và chúng tôi có trách nhiệm đảm bảo nó không leo thang và lan rộng ra ngoài lãnh thổ Ukraine”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong một cuộc họp báo hôm thứ Sáu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước đó đã kêu gọi các cường quốc phương Tây thực thi vùng cấm bay kể từ khi cuộc xâm lược của Moscow bắt đầu cách đây 9 ngày, với việc Nga pháo kích vào các thành phố của Ukraine và chiếm giữ nhà máy hạt nhân lớn nhất châu Âu. 

“Chúng tôi hiểu sự tuyệt vọng [của Ukraine] nhưng chúng tôi cũng tin rằng nếu chúng tôi làm điều đó (vùng cấm bay), nó có thể dẫn đến một cuộc chiến toàn diện ở châu Âu, liên quan đến nhiều quốc gia hơn và nhiều người hơn sẽ phải hứng chịu đau thương”, ông Stoltenberg nói thêm.

Ông nói, cách duy nhất để NATO thực hiện vùng cấm bay là cử máy bay NATO bắn hạ máy bay của Nga, đồng thời cho biết thêm rằng nguy cơ leo thang sẽ là quá lớn.

“Các đồng minh đồng ý rằng chúng tôi không nên để máy bay NATO hoạt động trên không phận Ukraine hoặc quân đội NATO hoạt động trên lãnh thổ Ukraine.”

Hôm thứ Năm, Tổng thống Zelenskiy nói rằng nếu các đồng minh NATO không đáp ứng yêu cầu của ông về việc bảo vệ không gian Ukraine, thì họ hãy cung cấp cho Kyiv nhiều máy bay chiến đấu hơn.

Các thành viên NATO đã gửi vũ khí đến Ukraine, nhưng luôn khẳng định sẽ không có hành động quân sự có thể khiến họ rơi vào xung đột trực tiếp với Nga.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết liên minh sẽ bảo vệ “từng inch” lãnh thổ NATO khỏi bị tấn công. “Chúng tôi là một liên minh phòng thủ. Chúng tôi không tìm kiếm xung đột. Nhưng nếu xung đột xảy đến với chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng đối phó”, ông Blinken nói.

EU tăng cường trừng phạt

Thay vì hiện diện quân sự ở Ukraine, các nước Liên minh châu Âu, với nhiều nước thuộc NATO, cho biết họ đang chú ý hơn đến các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga.

Tại Brussels, nhà ngoại giao hàng đầu của khối Josep Borrell nói rằng tất cả các lựa chọn đang để ngỏ liên quan đến các lệnh trừng phạt mới.

“Chúng tôi sẽ xem xét mọi thứ”, ông Borrell nói với các phóng viên khi được hỏi về việc liệu EU có thể ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga.

Bộ trưởng Ngoại giao Ireland Simon Coveney cho biết vòng trừng phạt thứ tư có thể ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhiều hơn của các ngân hàng Nga với hệ thống chuyển tiền quốc tế SWIFT, cấm các tàu Nga rời các cảng châu Âu và cắt giảm nhập khẩu từ Nga.

Ông nói: “Tôi cho rằng chúng tôi sẽ cấm các mặt hàng nhập khẩu khác như thép, gỗ, nhôm và có thể cả than nữa.”

Phương Tây đang nhập khẩu khoảng 700 triệu USD năng lượng từ Nga mỗi ngày, tổ chức tư vấn của Eurointelligence cho biết.

Cho đến nay, các cường quốc phương Tây đã trừng phạt Nga bằng việc hạn chế đối với các hoạt động của ngân hàng trung ương Nga và bằng cách thu giữ tài sản từ các nhà tài phiệt tỷ phú.

Quan ngại về hạt nhân

Tổng thống Nga Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình để loại bỏ những gì ông nói là “chính phủ phát xít” ở Ukraine và phi quân sự hóa đất nước. Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Zelenskiy nói rằng Moscow chỉ đang cố gắng ngăn chặn một nền dân chủ tự do phát triển mạnh mẽ ở biên giới của Nga.

“Sự thật là: Không phải NATO đang đe dọa Putin mà là khát vọng tự do ở Ukraine. Ông ấy muốn phá vỡ sự thôi thúc tự do này – ở Ukraine, và cả ở đất nước của chính mình”, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock nói.

Trong một dấu hiệu cho thấy nguy cơ leo thang của chiến tranh, một đám cháy lớn đã xảy ra tại nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ở Ukraine, nhưng đã được dập tắt vào thứ Sáu. Các quan chức cho biết nhà máy Zaporizhzhia vẫn hoạt động bình thường sau khi bị lực lượng Nga chiếm giữ.

Lê Vy