Người đứng đầu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu phải nhanh chóng “nối lại liên minh” để đối phó với sự trỗi dậy của một Trung Quốc “hung hăng hơn” và đang đe dọa các nước trên thế giới, theo SCMP.

Embed from Getty Images

(Ảnh: Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg)

Phát biểu trước các ủy ban của Nghị viện châu Âu (MEP) về vấn đề an ninh và đối ngoại, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói rằng NATO nên làm việc với các đối tác ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương nếu muốn ngăn Trung Quốc “bắt nạt các nước trên thế giới”.

Ông Stoltenberg nói: “Nếu chúng ta lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc, sức mạnh quân sự và kinh tế của Trung Quốc, điều quan trọng hơn là Châu Âu và Bắc Mỹ phải sát cánh cùng nhau tại NATO”.

Nghị viện châu Âu (MEP) đã bày tỏ lo ngại về mối đe dọa của Trung Quốc đối với thế giới. Thành viên MEP đến từ Croatia, ông Tonino Picula đã kêu gọi NATO chống lại các nỗ lực của Nga và Trung Quốc nhằm “tạo ảnh hưởng bằng cách gia tăng lợi thế kinh tế, chính trị và không gian mạng trong đại dịch”.

“Họ đang sử dụng chính sách ngoại giao vắc-xin của mình để truyền bá lợi ích của họ, đặc biệt là ở các nước đang phát triển và ở Liên minh châu Âu hoặc khu vực lân cận. Tôi nghĩ rằng đó là… điều mà cả Liên minh châu Âu và NATO cần đặc biệt chú ý [tới],” ông Picula nói.

Anna Bonfrisco, một thành viên đến từ Ý của Nhóm Bản sắc và Dân chủ cánh hữu, kêu gọi NATO làm việc với Mỹ để “quét sạch tấm thảm dưới chân Trung Quốc” ở Biển Đông.

“Đài Loan được chúng ta coi là một tấm gương sáng về dân chủ. Họ có một nền kinh tế tuyệt vời và một nền công nghệ phát triển. Chúng ta mong muốn Đài Loan có một tương lai tự do và rộng mở. Điều này có ý nghĩa gì đối với NATO?” bà Anna hỏi.

Ông Stoltenberg ghi nhận tiến bộ kinh tế và chương trình xóa đói giảm nghèo của Trung Quốc, nhưng cho rằng sự trỗi dậy của Bắc Kinh là mối quan ngại sâu sắc.

“Sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đặt ra một số thách thức nghiêm trọng. Trung Quốc là một quốc gia độc tài không chia sẻ các giá trị của chúng ta. Họ sẽ sớm có nền kinh tế lớn nhất thế giới. Họ đã có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai [thế giới], họ đang đầu tư rất nhiều vào năng lực quân sự hiện đại mới,” ông nói.

Quan điểm diều hâu về Trung Quốc đã được nêu rõ trong báo cáo “NATO 2030” công bố hồi năm ngoái.

“NATO phải dành nhiều thời gian, nguồn lực chính trị và hành động hơn nữa cho những thách thức an ninh do Trung Quốc đặt ra, dựa trên đánh giá về năng lực quốc gia, sức mạnh kinh tế và các mục tiêu tư tưởng của các nhà lãnh đạo [Bắc Kinh]”, văn bản viết.

Để phản ánh nỗ lực đối đầu Trung Quốc, các thành viên NATO trong những tháng gần đây đã thực hiện nhiều chuyến đi hàng hải hơn đến Biển Đông, nơi có nhiều tranh chấp lãnh thổ liên quan đến Trung Quốc.

Hải quân Pháp vào tháng 2 đã bắt đầu ba tháng huấn luyện và tuần tra, gửi tàu tấn công đổ bộ Tonnerre và tàu khu trục nhỏ Surcouf từ cảng Toulon, miền nam nước Pháp, đến Thái Bình Dương. Kế hoạch của Pháp là để nhóm tàu này đi qua Biển Đông hai lần và sẽ tham gia một cuộc tập trận chung với Mỹ và Nhật Bản vào tháng Năm tới.

Đức có kế hoạch cử một tàu khu trục nhỏ đi qua Biển Đông vào tháng 8, đây sẽ là tàu chiến đầu tiên của Đức đi qua vùng biển này kể từ năm 2002.

Từ đầu năm nay, Mỹ cũng đã tiến hành nhiều hoạt động tự do hàng hải ở các vùng biển tranh chấp trong khu vực. 

Sau chuyến đi gần đây qua eo biển Đài Loan, một quan chức Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) cho biết: “Những hành động như vậy không chỉ gây xáo trộn tình hình khu vực mà còn gây nguy hiểm cho sự ổn định ở eo biển Đài Loan, đây điều mà chúng tôi kiên quyết phản đối.”

Lê Vy (theo SCMP)

Xem thêm: