NATO sẽ tổ chức họp bàn vào ngày 24/3 để thảo luận về cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine và những thách thức đặt ra bởi sự ủng hộ rõ ràng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối với cuộc xâm lược của Nga.

Embed from Getty Images

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo ngày 23/3: “Trung Quốc đã hỗ trợ Nga về chính trị, bao gồm cả việc truyền bá những lời nói dối trắng trợn và thông tin sai lệch. Đối với NATO, điều đặc biệt quan tâm là Trung Quốc lúc này, lần đầu tiên chất vấn về một số nguyên tắc chính đối với an ninh, bao gồm quyền của mỗi quốc gia ở châu Âu được lựa chọn con đường riêng của mình.”

Thông tin này được đưa ra một tuần sau khi Washington cáo buộc Bắc Kinh đang cân nhắc hỗ trợ quân sự cho Nga trong cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine.

Chính quyền Trung Quốc trước đó từng ký một hiệp ước cam kết cung cấp các đảm bảo an ninh không xác định cho Ukraine trong trường hợp có nguy cơ bị tấn công hạt nhân, nhưng dường như họ đã lờ đi cam kết đó trong cuộc xung đột này. Ban lãnh đạo ĐCSTQ đã tái khẳng định hồi đầu tháng này rằng Nga sẽ vẫn là đối tác chiến lược “quan trọng nhất” của chế độ.

Hiện NATO lo ngại ĐCSTQ sẽ công khai ủng hộ cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, một viễn cảnh mà 30 quốc gia NATO sẽ thảo luận tại Brussels vào ngày 24/3.

Ông Stoltenberg cho hay, ông hy vọng các quốc gia thành viên NATO “kêu gọi Trung Quốc lên án cuộc xâm lược và tham gia vào các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm ra một giải pháp hòa bình để kết thúc chiến tranh càng sớm càng tốt.”

Chế độ Trung Quốc đã từ chối lên án cuộc xâm lược của Nga và từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với nước này vì cuộc xâm lược Ukraine. Thay vào đó, các quan chức ĐCSTQ thường xuyên lặp lại quan điểm của Nga, lưu ý rằng sự mở rộng của NATO là nguyên nhân gây ra chiến tranh.

Ukraine cũng không được cân nhắc để trở thành thành viên NATO khi bắt đầu chiến tranh, vì luật của NATO cấm kết nạp các quốc gia không kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ của họ, như trường hợp của Ukraine kể từ khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Năm 2021, NATO đã chỉ định chế độ cộng sản Trung Quốc là ưu tiên chiến lược quan trọng trong hướng dẫn chiến lược mới nhất của mình, trong đó phác thảo khuôn khổ chiến lược bao trùm của liên minh. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc được đề cập trong chiến lược này.

Ông Stoltenberg cũng cho biết, NATO có thể sẽ quyết định tăng cường hiện diện quân sự ở sườn phía Đông của mình. NATO đã tăng cường sự hiện diện của quân đội ở đây trong tháng qua, với khoảng 40.000 quân trải dài từ Biển Baltic đến Biển Đen. Hiện vẫn chưa rõ có bao nhiêu nguồn lực bổ sung sẽ được huy động.

Ông nhấn mạnh: “Tôi kỳ vọng các nhà lãnh đạo sẽ đồng ý củng cố vị thế của NATO trong tất cả các lĩnh vực, với sự gia tăng lớn ở phần phía Đông của liên minh. [Bao gồm cả] trên bộ, trên không và trên biển.”

Ông Stoltenberg nhận định, cuộc chiến ở Ukraine đã chứng tỏ NATO phải đánh giá lại các nỗ lực răn đe của mình trong dài hạn, một vấn đề mà các nhà lãnh đạo NATO dự kiến ​​sẽ thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh thường kỳ tiếp theo sẽ được tổ chức vào cuối tháng 6.

Các nhà lãnh đạo NATO cũng đồng ý về viện trợ bổ sung cho Kyiv, bao gồm thiết bị để giúp Ukraine bảo vệ khỏi các mối đe dọa hóa học, sinh học, phóng xạ và hạt nhân.

Gói viện trợ mới được đưa ra do quan ngại về cuộc tấn công hạt nhân hoặc sinh học tiềm tàng từ Nga, sau vụ Nga sử dụng tên lửa bội siêu thanh lần đầu tiên ở Ukraine vào đầu tuần này.

Theo Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng sẽ gặp mặt trực tiếp với những người đồng cấp NATO tại cuộc họp ngày 24/3 và nỗ lực củng cố sự gắn kết của liên minh.

“Thực sự có một cảm giác cấp bách mới bởi vì chúng ta không thể coi hòa bình là điều hiển nhiên,” ông Stoltenberg kết luận.

Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)