Các nước đồng minh NATO hôm thứ Tư (23/11) đã tiến hành một cuộc tập trận quân sự để kiểm tra khả năng phòng thủ tên lửa và phòng không ở Romania, khoảng một tuần sau khi một tên lửa đi lạc rơi ở Ba Lan và làm lộ rõ ​​những lỗ hổng trong lá chắn bầu trời của liên minh.

Tại cuộc tập trận, một hệ thống phòng không của Pháp được triển khai tới Romania đã đánh chặn cuộc tấn công mô phỏng của máy bay chiến đấu, Bộ Tư lệnh Không quân Đồng minh của NATO ở Ramstein, miền tây nước Đức cho biết.

Các máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ, Eurofighters của Tây Ban Nha, máy bay Growler của Mỹ được thiết kế cho tác chiến điện tử và máy bay phản lực Rafale của Pháp bay từ tàu sân bay Charles de Gaulle đã tham gia cuộc tập trận.

Người phát ngôn của NATO Oana Lungescu cho biết: “Để đối phó với cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine, chúng tôi tiếp tục tăng cường khả năng răn đe và phòng thủ ở phía đông của liên minh”.

Bà cho biết liên minh đã bổ sung thêm nhiều máy bay chiến đấu và máy bay giám sát để tuần tra, cùng với nhiều hệ thống phòng không trên mặt đất và tàu có khả năng phòng không trên biển.

“Các cuộc tập trận như thế này đảm bảo rằng các lực lượng NATO có thể hoạt động cùng nhau và luôn sẵn sàng ứng phó với bất kỳ mối đe dọa nào từ bất kỳ hướng nào”, bà lưu ý.

Pháp đã triển khai hệ thống phòng không SAMP/T tới Romania từ tháng Năm. Nó được thiết kế để bảo vệ chiến trường và các địa điểm nhạy cảm như sân bay và bến cảng trước tên lửa hành trình, máy bay, máy bay không người lái và tên lửa đạn đạo chiến thuật.

Một số đồng minh khác cũng đã chuyển những vũ khí như vậy tới sườn phía đông của NATO sau cuộc xâm lược Ukraine của Nga: các đơn vị hỏa lực Patriot của Đức được triển khai tới Slovakia, Hoa Kỳ đang vận hành Patriots ở Ba Lan và Tây Ban Nha đã gửi các hệ thống NASAMS tới Latvia.

Tuy nhiên, vụ tai nạn tên lửa dường như là của Ukraine đi lạc ở Ba Lan hôm thứ Ba tuần trước đã làm nổi bật lên sự cần thiết của việc NATO phải lấp thêm những khoảng trống trong lá chắn phòng không của mình.

Sau Chiến tranh Lạnh, nhiều đồng minh NATO đã giảm quy mô số lượng đơn vị tập trung vào các mối đe dọa từ bầu trời, phản ánh đánh giá rằng trong tương lai họ sẽ chỉ phải đối phó với mối đe dọa tên lửa hạn chế đến từ các quốc gia như Iran.

Nhận thức này đã thay đổi đáng kể với cuộc xâm lược của Nga, khiến các đồng minh NATO đẩy mạnh tăng kho đạn dược và khắc phục tình trạng thiếu hụt phòng không.

Lê Vy (theo Reuters)