Gã khổng lồ khí đốt nhà nước Nga Gazprom hôm thứ Hai (30/5) đã xác nhận rằng họ sẽ tạm dừng cung cấp khí đốt cho đối tác mua hàng tại Hà Lan bắt đầu từ ngày 31/5 vì doanh nghiệp này từ chối thanh toán bằng đồng ruble.

Embed from Getty Images

Đối tác tại Hà Lan đang mua khí đốt của Gazprom là GasTerra, có trụ sở tại thành phố Groningen, miền Bắc Hà Lan.

GasTerra hôm thứ Hai (30/5) đã loan báo về việc bị Gazprom cắt nguồn cung. Công ty này nói động thái của Gazprom có nghĩa rằng gã khổng lồ khí đốt Nga sẽ không chuyển khoảng 2 tỷ m3 khí đốt cho đến khi hợp đồng mua bán hết hạn vào ngày 1/10/2022.

GasTerra là công ty cổ phần tư nhân, gồm các cổ đông EBN, Shell, Esso và chính phủ Hà Lan. EBN chiếm 40% cổ phần, chính phủ Hà Lan nắm 10%, phần còn lại thuộc về Shell và Esso.

Hãng tin nhà nước Nga TASS dẫn tuyên bố của Gazprom nói rằng GasTerra đã không thanh toán chi phí mua khí đốt trong tháng Tư.

Chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin thời gian qua đã ra lệnh cho các công ty khí đốt, trong đó có Gazprom, yêu cầu khách hàng từ “các quốc gia không thân thiện” – bao gồm các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) – phải thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng ruble, một cách thức để Nga né tránh các chế tài tài chính mà phương Tây đã áp lên ngân hàng trung ương Nga do Điện Kremlin phát động cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine từ ngày 24/2.

GasTerra, trong tuyên bố phát đi hôm 30/5, nói rằng họ “đã quyết định không tuân thủ các yêu cầu đơn phương của Gazprom về cách thức thanh toán” bởi vì các yêu cầu đó sẽ vi phạm chế tài của EU và gây ra “các rủi ro tài chính và vận hành”.

Phản ứng với quyết định của GasTerra, Gazprom đã loan báo rằng họ sẽ không tiếp tục cung cấp khí đốt từ ngày 31/5/2022”, GasTerra nói.

GasTerra đã nhiều lần thúc giục Gazprom phải tôn trọng cấu trúc thanh toán và các yêu cầu bắt buộc chuyển hàng đã được đồng ý theo hợp đồng, thật không may những lời kêu gọi đó không có hiệu quả”, công ty của Hà Lan nói thêm.

GasTerra cũng cho biết họ đã đang mua khí đốt từ các nhà cung cấp khác để đề phòng trường hợp bị Gazprom cắt nguồn cung.

Chính phủ Hà Lan nói rằng họ “hiểu được” quyết định của GasTerra về việc không thanh toán bằng đồng ruble cho Gazprom.

Bộ trưởng Khí hậu và Năng lượng Hà Lan Rob Jetten viết trên Twitter: “Quyết định này không gây ra hậu quả cho việc chuyển khí đốt tới các hộ gia đình Hà Lan”.

Trước đó, Nga cũng đã dừng cung cấp khí đốt cho một loạt các quốc gia châu Âu, trong đó có Ba Lan, Bulgaria, các quốc gia Baltic và Phần Lan.

Chính phủ Hà Lan nói rằng nước này phụ thuộc vào 15% nguồn cung khí đốt từ Nga, tương đương khoảng 6 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Các quốc gia EU trung bình phụ thuộc vào 40% nguồn cung khí đốt của Nga.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, trong hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, đã khẳng định rằng đất nước của ông không gặp vấn đề về an ninh năng lượng.

Tôi nghĩ không có vấn đề lớn về an ninh năng lượng Hà Lan, tất nhiên, tất cả chúng ta đang làm việc để đảm bảo rằng chúng ta sẽ có được nguồn cung năng lượng bền vững”, ông Mark Rutte nói với báo giới.

Hải Đăng (Theo The Epoch Times và AFP)