AP dẫn lời các quan chức Nga cho biết hôm thứ Hai 1/7 (giờ địa phương) ít nhất 14 thủy thủ đã thiệt mạng sau khi một tàu ngầm hải quân Nga bị bắt lửa trong khi đang lặn dưới biển sâu thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu đáy biển.

Embed from Getty Images

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu thảo luận trong một cuộc họp khẩn tại Điện Kremlin hôm 2/7. (Ảnh: Alexei Druzhinin\TASS via Getty Images)

Trong một tuyên bố phát đi hôm 1/7, Bộ Quốc phòng Nga nói rằng chiếc tàu ngầm đã đột ngột bắt lửa trong khi đang thực hiện đo độ sâu của vùng biển thuộc lãnh thổ Nga.

Ngọn lửa sau đó đã được dập tắt nhờ sự hy sinh của một số thủy thủ đoàn. Giới chức Nga không thông tin có bao nhiêu thủy thủ có mặt trên tàu ngầm gặp nạn và bao nhiêu người sống sót.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hủy một sự kiện ông góp mặt vào thứ Ba (2/7) và đã triệu tập cuộc họp khẩn với bộ trưởng quốc phòng để nghe báo cáo vệ sự cố vừa xảy ra với tàu ngầm hải quân.

Bộ Quốc phòng Nga chỉ xác định tàu hải quân gặp nạn là tàu ngầm phục vụ nghiên cứu đáy biển. AP cho biết con tàu này đã từng neo đậu tại cảng Severomorsk, Bắc Cực – căn cứ chính của Hạm đội Biển Bắc của Nga.

Trang tin trực tuyến RBC của Nga loan tin rằng tàu hải quân bị cháy hôm 1/7 là tàu AS-12 Losharik chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Tàu Losharik là tàu tương đối mới, hạ thủy vào năm 2010. Đây được cho là tàu ngầm hiện đại và bí ẩn nhất của Nga. Tên của loại tàu này được đặt theo tên của một nhân vật hoạt hình thời kỳ Liên Xô – một chú ngựa đồ chơi làm từ các quả cầu nhỏ.

Vào năm 2012, chiếc tàu này cũng đã tham gia vào một chiến dịch nghiên cứu của hải quân Nga nhằm mục đích chứng minh cho yêu sách chủ quyền của Moscow tại vùng đáy biển Bắc Cực rộng lớn. Tàu ngầm này thu thập các mẫu từ độ sâu 8.202 feet, theo tuyên bố chính thức của Nga vào thời điểm đó. Các tàu ngầm thông thường chỉ có thể lặn ở độ sâu tối đa 2.000 feet.

Theo AP, một số quan chức Nga suy đoán rằng tàu ngầm Losharik có thể hoạt động ở độ sâu lên tới 19.685 feet. Tuy nhiên, thông tin này chưa được kiểm chứng độc lập.

Vụ cháy tàu ngầm hải quân hôm 1/7 là một trong những vụ tai nạn hải quân Nga nghiêm trọng nhất kể từ năm 2000. Vào ngày 12/8/2000, thời điểm ông Putin vừa nhậm chức tổng thống Nga nhiệm kỳ đầu tiên, tàu ngầm hạt nhân Kursk đã bị nổ và chìm trong khi tham gia tập trận tại Biển Barents khiến 118 thủy thủ thiệt mạng. Thảm kịch này đã thu hút sự chú ý tới thực trạng quân đội Nga vốn đã bị thiếu hụt ngân sách và bị bỏ bê sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản Liên Xô. Sau sự cố đó, Nga đã gia tăng mạnh mẽ chi tiêu quốc phòng.

Xuân Thành