Bộ Quốc phòng Nga cho biết quân đội Nga sẽ ngừng bắn và mở các hành lang nhân đạo tại một số thành phố của Ukraine, bao gồm cả thủ đô Kyiv vào lúc 10:00 giờ Moscow (07:00 GMT) vào thứ Hai (ngày 7/3).

Embed from Getty Images

“Các lực lượng Nga, vì mục đích nhân đạo, tuyên bố sẽ bật ‘chế độ im lặng’ từ 10 giờ sáng ngày 7/3 và mở cửa các hành lang nhân đạo”, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Các hành lang nhân đạo cũng sẽ được mở từ các thành phố Kharkiv, Mariupol và Sumy theo yêu cầu cá nhân của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và theo tình hình hiện tại ở các thành phố đó, tuyên bố cho biết thêm.

Theo các bản đồ do hãng thông tấn RIA công bố, hành lang từ Kyiv sẽ dẫn đến Belarus, và dân thường từ Kharkiv sẽ chỉ có một hành lang dẫn tới Nga. Các hành lang từ Mariupol và Sumy sẽ dẫn cả đến các thành phố khác của Ukraine và đến Nga.

Bộ cho biết, những người muốn rời Kyiv sẽ có thể được vận chuyển bằng máy bay đến Nga, đồng thời cho biết họ sẽ sử dụng máy bay không người lái để giám sát việc sơ tán.

“Những nỗ lực của phía Ukraine nhằm đánh lừa Nga và toàn bộ thế giới văn minh … lần này là vô ích”, Bộ tuyên bố.

Moscow cho biết họ đã thông báo cho LHQ, OSCE (Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu) và các tổ chức quốc tế khác về các hành lang và kêu gọi Ukraine “thực hiện nghiêm túc tất cả các điều kiện” của việc sơ tán.

“Chúng tôi mong đợi những hành động cụ thể từ các nhà chức trách chính của Kyiv, cũng như từ lãnh đạo của các thành phố nói trên”, tuyên bố nói.

Các hoạt động sơ tán đã được lên kế hoạch tại Mariupol và thành phố Volnovakha gần đó, nhưng đã thất bại trong hai ngày qua do các bên cáo buộc nhau không ngừng bắn và tiếp tục pháo kích.

Tại Mariupol, các nhà chức trách Ukraine cho biết họ đã lên kế hoạch sơ tán hơn 200.000 dân thường, tức một nửa dân số của thành phố.

Cuộc xâm lược của Nga đã bị lên án trên khắp thế giới, khiến hơn 1,5 triệu người Ukraine phải chạy ra nước ngoài. Nó cũng kích hoạt phương Tây ban bố các lệnh trừng phạt sâu rộng nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga.

Giá dầu đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2008 sau khi chính quyền Biden cho biết họ đang tìm cách cấm nhập khẩu dầu của Nga. Nga cung cấp 7% nguồn cung toàn cầu.

Nhật Bản, quốc gia coi Nga là nhà cung cấp dầu thô lớn thứ năm, cũng đang thảo luận với Hoa Kỳ và các nước châu Âu về việc có thể cấm nhập khẩu dầu của Nga, Kyodo News đưa tin hôm thứ Hai.

Châu Âu phụ thuộc vào Nga về dầu thô và khí đốt tự nhiên, nhưng đã trở nên cởi mở hơn với ý tưởng cấm các sản phẩm của Nga, một nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận nói với Reuters.

Nga gọi chiến dịch mà họ phát động vào ngày 24/2 là một “hoạt động quân sự đặc biệt”. Moscow đã nhiều lần phủ nhận việc tấn công các khu vực dân sự và nói rằng họ không có kế hoạch chiếm đóng Ukraine.

Số người chết vì các cuộc xung đột trên khắp Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược là 364 người, trong đó có hơn 20 trẻ em, Liên hợp quốc cho biết hôm Chủ nhật, nhưng nói rằng con số thực tế có thể cao hơn nhiều.

Xuân Lan (theo Reuters)