Gần đây, truyền thông Nga xác nhận việc Nga cung cấp uranium cho Trung Quốc, giới chuyên gia có lo ngại hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước này có thể đảo lộn quá trình kiểm soát vũ khí hạt nhân quốc tế vốn ổn định trong nhiều thập niên, cảnh báo viện trợ của Nga có thể giúp Trung Quốc mở rộng kho vũ khí hạt nhân nhanh hơn, trong khi tính khả thi về đàm phán kiểm soát tình hình là không cao.

GettyImages 454253441
Một lò phản ứng hạt nhân đang được xây dựng tại nhà máy điện hạt nhân Đài Sơn (Taishan) ở tỉnh Quảng Đông hôm 8/12/2013. (Nguồn ảnh: PETER PARKS/AFP qua Getty Images)

Bloomberg đưa tin hôm 6/5, giám đốc cấp cao về kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ là Pranay Vaddi đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn, rằng Trung Quốc và Nga đã không ngừng tăng cường hợp tác trong lĩnh vực công nghệ hạt nhân quan trọng cho vũ khí hạt nhân, đồng thời hai nước này cũng đã tăng cường hợp tác với Iran, bao gồm quan hệ thương mại và các cuộc tập trận quân sự chung. Để tránh tính toán sai lầm, các nước sở hữu vũ khí hạt nhân phải giải quyết các mối đe dọa hiện có và tiềm tàng, bao gồm tham vọng hạt nhân của Iran và việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để ra quyết định trong những lúc khủng hoảng.

Những khả năng hợp tác Trung-Nga trong lĩnh vực hạt nhân

Tờ SCMP hôm 5/5 đưa tin trích dẫn truyền thông nhà nước Nga, trong 3 năm tới công ty con TVEL của nhà cung cấp năng lượng hạt nhân Nga Rosatom sẽ xuất khẩu nhiên liệu cho dự án lò phản ứng neutron nhanh (CFR-600) tại huyện Hà Phố, tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc. Hai lò phản ứng hạt nhân neutron nhanh của dự án có công suất phát điện 600 megawatt, trong đó lò phản ứng đầu tiên dự kiến ​​sẽ cấp điện vào cuối năm nay.

Những gì Nga cung cấp cho Trung Quốc trong dự án liên quan là uranium-235 với nồng độ hơn 30%, chủ yếu được sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân trong các phản ứng hạt nhân và cũng là một trong những nguyên liệu chính để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Ngoài ra, trong cuộc gặp giữa lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình với ông lãnh đạo Nga Putin hồi tháng 3 năm nay, họ tuyên bố công ty Rosatom của Nga và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Trung Quốc đã ký hợp đồng dự án hợp tác dài hạn để phát triển lò phản ứng neutron nhanh và chu trình nhiên liệu hạt nhân khép kín (closed nuclear fuel cycle).

Nói với VOA, Giám đốc chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) là Anthony Cordesman cho biết, bản thân Trung Quốc không có các cơ sở làm giàu quy mô lớn, còn Rosatom là nhà cung cấp nguyên liệu hạt nhân chính cho nhiều nước, vì vậy Trung Quốc được hưởng lợi từ việc có được những lò phản ứng neutron nhanh giúp sản xuất plutonium cho vũ khí hạt nhân.

Nhưng ông tin rằng điều này không nhất thiết có nghĩa là Trung Quốc và Nga hợp tác phát triển vũ khí hạt nhân hoặc hệ thống phân phối, dù điều đó giúp Trung Quốc có lợi ích. Ông giải thích: “Số lượng vũ khí hạt nhân của Trung Quốc ước tính tăng từ khoảng 250 đầu đạn lên hơn 1200 đầu đạn, ngoài ra nước này đang xây dựng thêm 3 địa điểm mới phóng tên lửa với tên lửa được giấu kín, đồng thời đang sản xuất tàu ngầm hạt nhân có thể phóng tên lửa hạt nhân”.

Hợp tác hạt nhân giữa Trung Quốc và Nga bắt đầu từ những năm 1950 khi Liên Xô cung cấp vật liệu và hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình hạt nhân non trẻ của Trung Quốc. Căng thẳng gia tăng giữa hai nước trong Chiến tranh Lạnh đã dẫn đến ngừng hợp tác, nhưng vấn đề đã được nối lại vào thế kỷ 21.

Chuyên gia Patty-Jane Geller (từng là nhà phân tích chính sách phòng thủ tên lửa và răn đe hạt nhân tại Quỹ Di sản của Mỹ) chỉ ra hợp tác hạt nhân ngày càng sâu sắc giữa Trung Quốc và Nga trong những năm gần đây là đáng lo ngại: “Diễn biến này có nghĩa là Nga càng cung cấp nhiều nhiên liệu thì Trung Quốc càng sản xuất được nhiều plutonium, Trung Quốc càng sản xuất được nhiều plutonium thì nước này càng có thể sản xuất nhiều vũ khí hạt nhân”.

Nhưng nhà sử học hạt nhân Mỹ và là người tạo ra chương trình giả lập hạt nhân trực tuyến NUKEMAP, ông Alex Wellerstein nói với VOA rằng Nhóm Vật liệu Phân hạch Quốc tế ước tính rằng Trung Quốc đã có khoảng 14 tấn uranium được làm giàu ở mức độ cao (HEU) và khoảng 3 tấn plutonium đã phân tách (link). Ông cho hay trong một email gửi VOA: “Điều đó đủ để tận dụng được hết khả năng trong chế tạo nhiều đầu đạn hạt nhân nhất có thể, mặc dù ước tính này có thể rất sai lệch…”.

Theo báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ về khả năng quân sự của Trung Quốc, số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc có thể đạt 1000 vào cuối những năm 2020 và tăng lên 1500 vào năm 2035. Chuyên gia Geller cho biết, Trung Quốc đang mở rộng khi đầu đạn hạt nhân nhanh hơn so với dự kiến ​​của Mỹ, còn với giúp đỡ của Nga thì Trung Quốc có thể đẩy nhanh hơn nữa.

Một số chuyên gia quân sự lo ngại rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình có thể rút kinh nghiệm từ răn đe hạt nhân của ông Putin, qua đó có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong một cuộc xung đột có thể xảy ra trên eo biển Đài Loan.

Nói với Washington Post, đô đốc Mỹ James Stavridis (đã nghỉ hưu) từng là Tư lệnh tối cao quân Đồng minh NATO châu Âu cho rằng nếu Mỹ và Trung Quốc bước vào một cuộc chiến thông thường thì khả năng leo thang hạt nhân là rất lớn: “Hai cường quốc tham chiến không thể tránh được việc sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật, ít nhất là trên biển. Một khi vượt trên ngưỡng này thì đó sẽ là một bước nhỏ dẫn tới một cuộc xung đột hạt nhân rộng lớn hơn”.

Mỹ cần khẩn trương tăng mạnh hơn thế răn đe hạt nhân

Trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg, Giám đốc cấp cao Vardy phụ trách kiểm soát vũ khí tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cũng cho biết, trong thời Chiến tranh Lạnh thì Mỹ và Liên Xô đã đồng ý duy trì cân bằng hạt nhân và hạn chế một số loại vũ khí. Ngày nay nhiều nước hơn đang phát triển công nghệ và vật liệu cần thiết cho sản xuất các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt, còn Trung Quốc không quan tâm đến đối thoại để giảm thiểu rủi ro hạt nhân.

Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược Mới (START) giữa Mỹ và Nga nhằm hạn chế khả năng của tên lửa xuyên lục địa (ICBM) sẽ hết hạn vào năm 2026, nhưng Trung Quốc chưa bao giờ tham gia hiệp ước này. Chuyên gia Cordesman của CSIS lập luận rằng việc kiểm soát vũ khí hạt nhân hiệu quả sẽ không xảy ra trừ khi có thay đổi lớn về lãnh đạo chính trị của Trung Quốc hoặc Nga. Hơn nữa, chỉ thêm một hiệp ước khác giữa Moscow và Washington sẽ chẳng có ý nghĩa gì nhiều.

Xu hướng hợp tác hạt nhân ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Nga đã khơi dậy cảnh giác của Mỹ. Trong một bức thư gửi Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Sullivan vào tháng 3, một nhà lập pháp cấp cao của Đảng Cộng hòa Mỹ đã viết rằng sự hợp tác như vậy giữa Trung Quốc và Nga là “mối đe dọa trực tiếp đối với an ninh Mỹ”, qua đó kêu gọi chính quyền Tổng thống Biden “tìm cách chấm dứt mối quan hệ hợp tác nguy hiểm giữa Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Nga và Trung Quốc”.

Trong một phiên điều trần gần đây tại Quốc hội Mỹ, trợ lý John Plumb phụ trách về chính sách vũ trụ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng chỉ ra rằng “lò phản ứng neutron nhanh chính là plutonium, còn plutonium là để chế tạo vũ khí… Hợp tác của Nga và Trung Quốc trong vấn đề này là vấn đề rất đáng lo ngại”.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Roger Wicker của bang Mississippi cũng chỉ ra vào ngày 20/4 rằng mọi chương trình hiện đại hóa hạt nhân ở Mỹ đã bị trì hoãn, thu nhỏ lại hoặc hủy bỏ. Mặc dù vào năm ngoái Cục An ninh Hạt nhân (NNSA) đã phân bổ hơn 500 triệu USD tài trợ bổ sung để giúp khôi phục khả năng tạo lõi plutonium cho vũ khí, nhưng không thực sự có tiến triển nào. Ông đưa ra 4 đề xuất giúp Mỹ cùng lúc răn đe nhiều đối thủ: thứ nhất là tăng cường đầu tư, đẩy nhanh quá trình tái thiết lực lượng hạt nhân, khôi phục khả năng cơ bản duy trì dự trữ hạt nhân sớm nhất có thể; thứ hai là loại bỏ các rào cản pháp lý cản trở các chương trình hiện đại hóa hạt nhân, trao trách nhiệm cho lãnh đạo Bộ Quốc phòng và NNSA về hiệu quả hoạt động; thứ ba, cam kết mở rộng và đa dạng hóa lực lượng hạt nhân của Mỹ, bao gồm chương trình chính thức chế tạo tên lửa hành trình phóng từ biển; thứ tư, điều chỉnh lại tư thế quân sự của Mỹ để tăng cường khả năng răn đe, đảm bảo với NATO và các đồng minh châu Á rằng Mỹ cam kết ngăn chặn Nga, Trung Quốc, Triều Tiên và Iran.

Còn nhà sử học Wellerstein – người tạo ra NUKEMAP – gợi ý rằng Mỹ nên theo đuổi chính sách quân sự và đối ngoại nhằm thiết lập và duy trì sự ổn định chiến lược hạt nhân: “Việc không quan tâm đủ mức đến lĩnh vực này, ở mức nhất định có thể đã góp phần vào niềm tin của Trung Quốc đối với lỗ hổng trong sức mạnh hạt nhân hiện tại của Mỹ. Cá nhân tôi cho rằng khả năng răn đe của Mỹ đủ khiến bất kỳ nước nào cũng thấy việc chiến tranh với Mỹ là mất nhiều hơn được, do vậy họ không ngừng cố gắng vượt qua ranh giới đó bằng lao vào cuộc chạy đua vũ trang không có hồi kết”.

Theo Tiết Tiểu Sơn, VOA