Tổng thống Nga Vladimir Putin đã triển khai một tàu khu trục được trang bị tên lửa hành trình siêu thanh tới Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương nhằm phô trương lực lượng quân sự khi cuộc chiến ở Ukraine vẫn đang tiếp diễn.

Embed from Getty Images

Ngày 4/1, ông Putin tham gia một buổi lễ thông qua hội nghị truyền hình để đánh dấu việc hạ thủy tàu chiến Đô đốc Gorshkov. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và chỉ huy tàu khu trục Igor Krokhmal cũng tham gia sự kiện này.

“Con tàu được trang bị hệ thống tên lửa siêu thanh mới nhất – ‘Zircon’ – không có hệ thống nào tương tự,” ông Putin nhấn mạnh trước khi ra lệnh cho con tàu chính thức được đưa vào phục vụ chiến đấu.

“Tôi muốn gửi lời chúc thủy thủ đoàn… thành công trong việc phục vụ lợi ích của Tổ quốc,” ông nói thêm.

Theo thông số ban đầu, tên lửa Zircon có tầm bắn trên 1.000km. Tốc độ Mach 8 của Zircon là một lợi thế bởi tàu đối phương có thể bị tấn công trước khi kịp phát hiện ra tên lửa này.

Bộ trưởng Shoigu cho hay, tàu khu trục này sẽ đi đến Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải.

Ông nói thêm, con tàu có khả năng thực hiện “các cuộc tấn công chính xác và mạnh mẽ nhằm vào kẻ thù trên biển và trên đất liền”; trong khi các tên lửa siêu thanh trên tàu có thể vượt qua bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào và có tầm bắn hơn 1.000 km.

Trước đó, Nga đã phóng thử tên lửa Zircon từ tàu chiến và tàu ngầm hồi năm ngoái, trong bối cảnh cuộc chạy đua phát triển vũ khí siêu thanh nóng lên với Mỹ và Trung Quốc.

“Trọng tâm chính của nhiệm vụ sẽ là chống lại các mối đe dọa đối với Nga và hỗ trợ hòa bình và ổn định khu vực cùng với các nước thân thiện,” ông Shoigu lưu ý.

“Trong các cuộc tập trận, thủy thủ đoàn sẽ được huấn luyện triển khai vũ khí siêu thanh và tên lửa hành trình tầm xa,” ông tiếp tục.

Các cuộc thử nghiệm đã diễn ra bất chấp việc Moscow đang phải chịu tổn thất nặng nề về người và thiết bị trong cuộc xâm lược Ukraine kéo dài gần một năm qua.

Các nhà phân tích nhận định, đặc điểm chính của vũ khí siêu thanh không phải là tốc độ – thứ đôi khi có thể bị các đầu đạn tên lửa đạn đạo truyền thống bắt kịp hoặc vượt qua – mà là khả năng cơ động của chúng.

Loại vũ khí này được coi là một biện pháp hữu hiệu để đạt được lợi thế trước bất kỳ đối thủ nào, bởi chúng có khả năng tránh được các lá chắn tên lửa và hệ thống cảnh báo sớm.

Minh Ngọc (Theo Al Jazeera)