Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin vào thứ Sáu (giờ địa phương) sau khi bị Liên minh châu Âu phản đối việc Belarus buộc một máy bay thương mại hạ cánh và bắt giữ một nhà báo bất đồng chính kiến, hãng tin AP đưa tin. Nga cũng đã cấm một số hãng bay vì tránh Belarus.

Embed from Getty Images

(Ảnh: Air France nằm trong số các hãng bay bị Nga hạn chế vì đã không bay qua Belarus)

Các nhà lãnh đạo EU đã áp dụng một số biện pháp trừng phạt đối với Belarus, họ cũng khuyến cáo các hãng hàng không châu Âu tránh không phận Belarus.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lên án động thái này, đồng thời gọi đây là hành động “hoàn toàn vô trách nhiệm và đe dọa sự an toàn của hành khách.”

Moscow đã nhanh chóng đề nghị hỗ trợ chính trị cho Belarus và cho rằng ông Lukashenko đã hành động “phù hợp với luật pháp quốc tế” vì cho rằng có mối đe dọa đánh bom trên máy bay.

Thủ tướng Belarus Roman Golovchenko cho biết “áp lực ngày càng tăng của phương Tây” đã đẩy Belarus xích lại gần Nga hơn.

“EU đã đưa ra quyết định chính trị nhằm đưa ra các biện pháp trừng phạt trong một nỗ lực rõ ràng nhằm hủy hoại nền kinh tế của chúng ta và tạo điều kiện cho các cuộc đảo chính lặp lại”, ông nói trong một cuộc họp. “Trong tình huống này, chúng tôi trông chờ vào sự hỗ trợ của đồng minh thân cận nhất của chúng tôi là Liên bang Nga.”

Chủ nhật tuần trước, các kiểm soát viên chuyến bay Belarus yêu cầu phi hành đoàn của máy bay Ryanair hạ cánh vì có mối đe dọa đánh bom. Không có quả bom nào được tìm thấy khi máy bay đáp xuống Minsk, nhưng nhà báo 26 tuổi Raman Pratasevich và bạn gái người Nga của anh đã bị bắt.

Các nhà lãnh đạo EU tố cáo đây là một vụ “không tặc và cướp máy bay”, đồng thời trừng phạt bằng cách cấm các hãng vận tải của Belarus đi vào không phận và sân bay của khối, đồng thời khuyên các hãng hàng không châu Âu tránh bay qua Belarus. 

Các Bộ trưởng ngoại giao của EU đã phác thảo các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn vào thứ Năm nhằm vào ngành công nghiệp kali của đất nước và các lĩnh vực khác, vốn là nguồn thu tiền chính cho chính phủ của ông Lukashenko.

Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) cho biết hôm thứ Năm rằng họ sẽ điều tra việc Belarus yêu cầu máy bay hạ cánh, như nhiều nước phương Tây đã yêu cầu.

Phản ứng lại, ông Lukashenko và Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ gặp nhau vào thứ Sáu tại khu nghỉ mát Sochi ở Biển Đen để đàm phán về mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn, theo Điện Kremlin. Trước đó trong ngày, thủ tướng hai nước đã gặp nhau tại Minsk để mở đường cho các cuộc hội đàm của tổng thống.

Hai quốc gia thuộc Liên Xô cũ đã ký một hiệp định liên minh để thắt chặt mối quan hệ về chính trị, kinh tế và quân sự. Moscow đã giúp củng cố nền kinh tế Belarus bằng năng lượng rẻ và các khoản vay, nhưng mối quan hệ đôi lúc cũng trở nên căng thẳng với việc Lukashenko mắng Moscow vì đã cố gắng buộc ông từ bỏ quyền kiểm soát đối với các tài sản kinh tế có giá trị cao và cuối cùng từ bỏ nền độc lập của Belarus.

Trong quá khứ, nhà lãnh đạo 66 tuổi của Belarus đã cố gắng về phe phương Tây để chống lại Nga.

Các chiến thuật như vậy không còn hiệu quả sau cuộc đàn áp tàn bạo của Lukashenko đối với các cuộc biểu tình vào mùa thu năm ngoái, sau cuộc bầu cử bị phe đối lập cho rằng đã bị gian lận. Hơn 35.000 người đã bị bắt giữa các cuộc biểu tình và hàng nghìn người bị tra tấn.

Hôm thứ Sáu, Ủy ban điều hành châu Âu của EU đã trình bày kế hoạch viện trợ 3 tỷ euro (3,7 tỷ USD) để hỗ trợ “nền dân chủ Belarus trong tương lai.” Gói viện trợ này có thể được kích hoạt nếu Belarus tiến tới một “quá trình chuyển đổi dân chủ”.

“Đối với người dân Belarus: Chúng tôi nhìn thấy và nghe thấy mong muốn của các bạn về sự thay đổi, vì dân chủ và tương lai tươi sáng”, bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch của Ủy ban cho biết. “Và đối với các nhà chức trách Belarus: Không có sự đàn áp, tàn bạo hay cưỡng bức nào sẽ mang lại bất kỳ tính hợp pháp nào cho chế độ độc tài của các vị.”

Lukashenko cho biết hôm thứ Sáu trước khi khởi hành đến Nga rằng ông hy vọng đạt được thỏa thuận với Putin về việc nối lại các chuyến bay thường xuyên giữa hai quốc gia đã bị đình chỉ vì đại dịch COVID-19.

Trong khi các hãng hàng không châu Âu tìm cách trừng phạt Belarus, Nga đã từ chối một số yêu cầu thay đổi đường bay đến Moscow trong hai ngày qua, được cho là một cử chỉ ủng hộ rõ ràng đối với Lukashenko.

Hãng hàng không Pháp là Air France và Áo là Austrian Airlines đã phải hủy một số chuyến bay vì yêu cầu thay đổi đường bay bị Nga từ chối.

Tuy vậy, đến thứ Sáu, Austrian Airlines cho biết họ đã được phép tránh Belarus đối với các chuyến bay trên tuyến từ Vienna đến Moscow, theo Cơ quan Báo chí Áo. Trong khi đó Air France vẫn hủy các chuyến bay từ Paris đến Moscow vào thứ Năm và thứ Sáu.

Lê Xuân (theo Newsweek)

Xem thêm: