Điện Kremlin hôm thứ Năm (21/4) nói rằng Nga vẫn đang đợi phản hồi của Ukraine về đề xuất mới nhất bằng văn bản của Moscow đối với các cuộc đàm phán hòa bình giữa hai bên.

Embed from Getty Images

Phía Nga cũng đặt câu hỏi tại sao Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lại chưa hề biết gì về văn bản mới nhất mà Nga đã gửi.

Tổng thống Zelensky hôm thứ Tư (20/4) nói rằng ông chưa thấy hay nghe nói về tài liệu mà Điện Kremlin nói họ đã gửi cho Kyiv.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo giới hôm 21/4: “Tôi nhắc lại lần nữa như tôi đã nói hôm qua, ý kiến của chúng tôi, phiên bản mới nhất, đã được trao cho đối thủ của chúng tôi – đoàn đàm phán Ukraine”.

Ông Dmitry Peskov nói Điện Kremlin biết về bình luận của ông Zelensky và “điều đó cũng dấy lên những câu hỏi về việc tại sao không ai báo cáo cho Tổng thống Zelensky về các phiên bản tài liệu đề xuất của chúng tôi”.

Nga phát động chiến tranh xâm lược Ukraine từ ngày 24/2 và hai bên đã tổ chức nhiều vòng đàm phán hòa bình, vòng đàm phán trực tiếp gần nhất diễn ra vào ngày 29/3. Từ sau đó, hai bên chưa thể nối lại các cuộc đối thoại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 12/4 nói rằng các cuộc đàm phán với Ukraine đã rơi vào tình trạng bế tắc.

Trong khi đó, trưởng đoàn đàm phán Ukraine hôm thứ Ba (19/4) cho biết hiện khó có thể dự đoán khi nào hai bên có thể nối lại đàm phán bởi vì Nga đang bao vây thành phố Mariupol và họ có mong muốn củng cố vị thế thông qua một cuộc tấn công quân sự mới vào miền đông Ukraine.

Nga nói họ buộc phải tiến hành “hoạt động quân sự đặc biệt” để phi quân sự hóa và “phi phát-xít hóa” Ukraine, đồng thời bảo vệ người dân nói tiếng Nga tại Ukraine khỏi bị “diệt chủng”. Kyiv và phương Tây chỉ trích các lập luận của Nga là lý cơ không có cở sở cho cuộc chiến tranh xâm lược.

Moscow muốn Kyiv phải chấp nhận mất hẳn bán đảo Crimea vốn đã bị Nga sáp nhập từ năm 2014, và phải công nhận nền độc lập của hai nhà nước cộng hòa nhân dân tự xưng tại khu vực Donbass.

Ukraine khẳng định rằng họ sẽ không bao giờ nhượng bộ về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ để đổi lấy hòa bình.

Như Ngọc (Theo Reuters)