Ngày 29/9, Điện Kremlin cáo buộc, sự cố rò rỉ khí đốt vào Biển Baltic từ các đường ống Nord Stream 1 và 2 dường như là kết quả của “chủ nghĩa khủng bố” do nhà nước bảo trợ.

Embed from Getty Images

Hiện Liên minh châu Âu đang điều tra nguyên nhân rò rỉ đường ống Nord Stream 1 và 2. Họ nghi ngờ có sự phá hoại đằng sau các vụ nổ ngoài khơi bờ biển của Đan Mạch và Thụy Điển.

Bốn ngày sau khi sự cố rò rỉ lần đầu tiên được phát hiện, vẫn chưa xác định được ai là thủ phạm đứng sau bất kỳ cuộc tấn công nào vào đường ống dẫn khí đốt này.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov phát biểu: “Vụ việc này giống như một hành động khủng bố, có thể ở cấp độ nhà nước. Rất khó để tưởng tượng rằng một hành động khủng bố như vậy có thể diễn ra mà không có sự tham gia của một nhà nước nào đó.”

Moscow trước đó còn khẳng định, các vụ rò rỉ xảy ra trên vùng lãnh thổ “hoàn toàn nằm trong tầm kiểm soát” của các cơ quan tình báo Hoa Kỳ, theo Reuters.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói trong một cuộc họp báo, Washington sẽ có thể thúc đẩy doanh số bán khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nếu các đường ống này không thể hoạt động.

Hãng tin Mỹ CNN dẫn 3 nguồn tin nói rằng giới chức an ninh châu Âu đã quan sát thấy tàu hỗ trợ hải quân và tàu ngầm của Nga cách không xa các vị trí rò rỉ. Khi được hỏi về thông tin này của CNN, ông Peskov chi ra sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở khu vực đó còn lớn hơn nhiều.

Bà Zakharova kêu gọi Liên minh Châu Âu tiến hành một cuộc điều tra “khách quan”, và cho rằng Washington sẽ phải “tự giải thích” – tham chiếu đến bình luận của Tổng thống Joe Biden hồi tháng 2 rằng, nếu Nga xâm lược Ukraine, “sẽ không còn Nord Stream 2” .

Nhà Trắng đã bác bỏ cáo buộc của Nga về việc họ phải chịu trách nhiệm về thiệt hại của Nord Stream, đồng thời nhấn mạnh bình luận của ông Biden thời điểm đó đề cập đến những nỗ lực để đưa Nord Stream 2 vào sử dụng thương mại.

Nord Stream AG, công ty điều hành Nord Stream 1 nói với Reuters, khí đốt có thể sẽ dừng rò rỉ vào ngày thứ Hai tuần tới (3/10). Nhưng người phát ngôn của công ty này lưu ý, họ không thể đưa ra bất kỳ dự báo nào về hoạt động của đường ống trong tương lai cho tới khi thiệt hại được đánh giá đầy đủ.

Trên thực tế, đường ống Nord Stream 1 đã bị khóa từ hồi tháng 8, và Nga đổ lỗi cho các lệnh trừng phạt của phương Tây đã cản trở hoạt động của họ; trong khi Nord Stream 2 chưa đi vào hoạt động thương mại bao giờ. Dù vậy, cả hai đường ống đều có khí đốt bên trong.

Theo một quan chức Liên minh Châu Âu, các nhà lãnh đạo khối này sẽ thảo luận về mức độ thiệt hại của sự cố tại hội nghị thượng đỉnh ở Prague, Cộng hòa Séc vào ngày 7/10 sắp tới. 

“Hạ tầng chiến lược của toàn thể EU phải được bảo vệ. Sự cố rò rỉ đã làm thay đổi bản chất của cuộc xung đột như chúng ta đã thấy, như việc Nga huy động thêm lực lượng và có thể sáp nhập một số vùng của Ukraine,” vị quan chức cho hay.

Minh Ngọc (T/h)