Hôm 10/3, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã gọi Đài Loan là một “quốc gia” trong một phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện.

Embed from Getty Images

Vào cuối phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện về chương trình nghị sự trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, dân biểu đảng Cộng Hòa Young Kim (bang California) lưu ý rằng trong nhiều thập kỷ qua, Đài Loan đã trở thành một “đối tác an ninh và y tế vô giá đối với Hoa Kỳ trên thế giới.” Bà chỉ ra rằng với những đóng góp của Đài Loan cho cộng đồng quốc tế và “hệ thống dân chủ mạnh mẽ”, Đài Loan nên phải có được “một chỗ ngồi” tại WHO để chia sẻ chuyên môn của mình.

Sau đó, bà Kim kêu gọi chính quyền Biden đưa Đài Loan vào Hội nghị Thượng đỉnh Dân chủ sắp tới, cũng như tiến hành đàm phán với nước này về một hiệp định thương mại tự do. 

Đáp lại, ông Blinken đã trả lời rằng ông “hoàn toàn cam kết” [thực thi] với những đề xuất của bà. Ông cũng đồng tình với quan điểm của bà Kim rằng “Đài Loan là một nền dân chủ mạnh” và “một cường quốc công nghệ rất mạnh”.

Ông tiếp tục nói rằng Đài Loan là “một quốc gia có thể đóng góp cho thế giới chứ không chỉ cho người dân của mình. COVID là một ví dụ rất tốt về điều đó.” 

Theo Taiwan News, việc ông Blinken sử dụng thuật ngữ “quốc gia” đã đánh dấu một giai đoạn mới trong quan hệ Đài Loan – Hoa Kỳ. Kể từ khi Mỹ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan dưới thời chính quyền Carter vào năm 1979, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã áp đặt ngày càng nhiều hạn chế đối với các tương tác chính thức với Đài Loan vì sợ sẽ kích động Trung Quốc.

Tuy nhiên, vào cuối nhiệm kỳ Ngoại trưởng của mình, ông Mike Pompeo đã đánh giá lại những hạn chế này. Ông gọi bộ quy tắc ứng xử với Đài Loan “điên rồ” và “vô nghĩa”. “Sau khi xem xét đầy đủ, [tôi nghĩ rằng] chúng ta cần phải đối thoại nhiều hơn với nhau, chứ không phải là ít đi. [Chúng ta] cần có nhiều cuộc trò chuyện cởi mở hơn, chứ không phải những cuộc trò chuyện bí mật hơn.”

Vào ngày 10/1, Bộ Ngoại giao dưới thời ông Pompeo đã chính thức dỡ bỏ các hạn chế liên hệ chính thức với Đài Loan. Trong số các hạn chế được dỡ bỏ có lệnh cấm sử dụng thuật ngữ “quốc gia” hoặc “chính phủ” khi đề cập đến Đài Loan.

Bằng cách sử dụng từ “quốc gia”, ông Blinken dường như đã thừa nhận việc dỡ bỏ các hạn chế của ông Pompeo. 

Tuy nhiên, chỉ có thời gian mới trả lời được đây là lời nói suông hay là sự chấp nhận của một chính sách dài hạn, tờ Taiwan News nhận định.

Ngân Hà 

Xem thêm: