Hôm thứ Ba (1/3), Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken cho biết, “tội ác” của Nga ở Ukraine đang gia tăng từng giờ khi quân đội Nga thực hiện các cuộc tấn công vào các bệnh viện, trường học và nhà ở tại các thành phố của Ukraine. Ông kêu gọi quốc tế buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.

Embed from Getty Images

Hôm 1/3, Moscow phải đối mặt với sự cô lập ngày càng tăng trong bối cảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ dừng cuộc xâm lược Ukraine. Giao tranh giữa hai bên đang diễn ra dữ dội và các cuộc bắn phá của Nga đã giết hàng chục dân thường, gây ra cuộc khủng hoảng tị nạn.

Trong một video gửi tới Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc [LHQ], Ngoại trưởng Blinken chỉ trích: “Các cuộc tấn công của Nga đang nhắm đến các trường học, bệnh viện, và các tòa nhà dân cư. Các báo cáo về việc Nga vi phạm nhân quyền và vi phạm luật nhân đạo quốc tế tăng lên từng giờ.”

Ngoại trưởng Mỹ tiết lộ, cuộc tranh luận khẩn cấp của diễn đàn Geneva sắp diễn ra vào thứ Năm (3/3) là “một bước quan trọng để đảm bảo sự cung cấp tài liệu và giải trình trách nhiệm.” Tại đó, Kiev và các đồng mình sẽ đưa ra một nghị quyết về việc thành lập một cuộc điều tra quốc tế về các vi phạm nhân quyền.

Ông tiếp tục: “Chúng ta phải thực hiện các bước đi để buộc các thủ phạm phải chịu trách nhiệm.” Đồng thời ông kêu gọi quốc tế cần phải hành động vì sự tôn trọng đối với “mọi nạn nhân của những tội ác đó”.

Hôm 1/3, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho hay, Hoa Kỳ đang xem xét chặt chẽ liệu tội ác chiến tranh có xảy ra trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine hay không và liệu các đối tác trên toàn thế giới có can dự vào vấn đề này hay không.

Phát biểu với các phóng viên tại Geneva, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ về An ninh Dân sự, Dân chủ, và Nhân quyền, bà Uzra Zeya đã lên án, cuộc xâm lược của Nga đang “gây ra một thảm họa nhân quyền và nhân đạo”.

Bà cảnh báo: “Nếu họ [Nga] đang cố tình nhắm vào dân thường hoặc các mục tiêu dân sự, đó sẽ là hành vi vi phạm luật nhân đạo quốc tế.”

Thứ trưởng Zeya tố cáo cái mà bà gọi là “hành động đồi bại trong các chiến dịch của Nga trong quá khứ” như các vụ giết người không qua xét xử, bắt cóc, giam giữ và tra tấn trái pháp luật, bao gồm cả những vụ việc xảy ra ở các khu vực thuộc vùng Donbass của Ukraine.

“Diệt chủng” ở Tân Cương

Bài phát biểu của Ngoại trưởng Blinken đánh dấu sự quay trở lại của Washington với tư cách thành viên bỏ phiếu tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, cơ quan nhân quyền hàng đầu của quốc tế. Chính quyền Trump đã rút khỏi cơ quan này vào năm 2018 bởi vì Tổng thống Trump lúc đó chỉ trích tổ chức này có thành kiến đối với Israel và thiếu cải cách.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố, chính quyền Biden sẽ tiếp tục chống lại cái mà ông gọi là “thành kiến chống Israel và sự tập trung không công bằng và không thích đáng vào Israel” của hội đồng nhân quyền.

Ngoại trưởng Mỹ cáo buộc, Trung Quốc “tiếp tục thực hiện hành vi diệt chủng và tộc ác chống lại loài người ở Tân Cương” đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Ông đã trích dẫn các bài báo cho biết, khoảng 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ đang bị giam giữ tại các trại tập trung quy mô lớn ở Tân Cương nằm ở vùng viễn tây Trung Quốc và bị cưỡng bức lao động. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã bác bỏ các cáo buộc này.

Ông kêu gọi Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền LHQ Michelle Bachelet công bố báo cáo của văn phòng bà về những phát hiện đối với tình hình ở Tân Cương.

Gia Huy (Theo Reuters)