Khi Ấn Độ phải đối mặt với sự gia tăng nghiêm trọng của các ca nhiễm virus Vũ Hán, khiến hệ thống chăm sóc sức khỏe của nước này trở nên quá tải, người dân đang tìm mọi cách cố gắng giữ cho những người thân của mình sống sót. Trong cơn tuyệt vọng, nhiều người đang chuyển sang các phương pháp điều trị y tế chưa được chứng minh, một số người khác tìm đến thị trường chợ đen để mua thuốc.

Embed from Getty Images

Ashish Poddar đã giữ một túi nước đá trên tay khi anh đợi bên ngoài bệnh viện ở New Delhi, chờ đợi một kẻ buôn bán chợ đen giao hai loại thuốc cho cha anh, người đang thở hổn hển vì bị nhiễm COVID-19.

Nhưng kẻ đó đã không xuất hiện, túi nước đá dùng để giữ giữ lạnh cho thuốc đã tan ra, và cha anh qua đời vài giờ sau đó.

Anh Poddar đã được bệnh viện tư nhân điều trị cho cha mình, Raj Kumar Poddar, cho biết rằng cần phải có Remdesivir, một loại thuốc kháng virus và Tocilizumab, một loại thuốc giảm thiểu các phản ứng miễn dịch của con người, để giữ cho người đàn ông 68 tuổi này sống sót.

Giống như hầu hết các bệnh viện và hiệu thuốc ở thủ đô Ấn Độ, hàng dự trữ đã hết. Tuyệt vọng, anh Poddar quay sang một đại lý hứa hẹn sẽ có thuốc sau khi tạm ứng gần 1.000 USD.

“Tôi ở gần đây” và “[Tôi] sắp tới,” anh Poddar cho xem một số tin nhắn nhận được trong khi chờ đợi.

“Tôi ước ông ta [kẻ buôn thuốc] ít nhất nói với tôi rằng ông ta sẽ không đến. Lẽ ra tôi phải tìm kiếm [thêm] ở nơi khác,” cậu con trai đau buồn nói.

Ấn Độ đã lập kỷ lục toàn cầu mới về số ca nhiễm virus hôm thứ Năm (29/4) với hơn 379.000 trường hợp mới, gây áp lực lớn hơn đối với các bệnh viện đã quá tải của nước này. Đất nước1,3 tỷ dân hiện đã ghi nhận hơn 18 triệu ca nhiễm, chỉ sau Mỹ, và hơn 200.000 ca tử vong – mặc dù con số thực được cho là cao hơn.

Hiện chỉ có một số ít loại thuốc được biết đến để giúp điều trị COVID-19, chẳng hạn như Remdesivir và Steroid, nhưng chúng cũng rất khan hiếm. Phương pháp điều trị cơ bản nhất hiện tại là liệu pháp oxy cũng đang thiếu hụt, dẫn đến những trường hợp tử vong không đáng có. Ngay cả giường bệnh cũng khan hiếm. Chỉ có 14 giường chăm sóc đặc biệt miễn phí được cung cấp tại New Delhi, thành phố 29 triệu dân.

Các hướng dẫn điều trị mới nhất của Ấn Độ phần lớn chiểu theo các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới và Hoa Kỳ. Tuy nhiên, Ấn Độ cho phép một ngoại lệ rằng những bệnh nhân bị nhẹ có thể được sử dụng hydroxychloroquine hoặc ivermectin, các loại thuốc được sử dụng cho một số bệnh nhiệt đới như sốt rét.

Mặc dù Ấn Độ là nước sản xuất thuốc hàng đầu trên toàn cầu, nhưng quy định về thuốc của nước này còn lỏng lẻo, ngay cả trước khi xảy ra đại dịch. Nỗi tuyệt vọng ngày càng gia tăng đã khiến mọi người cố gắng thử bất cứ điều gì.

Tiến sĩ Amar Jesani, một chuyên gia về đạo đức y tế, cho biết nhiều loại thuốc kê đơn có thể được mua không cần kê đơn.

“Các bệnh viện và bác sĩ đã quá quen với việc có một ‘viên thuốc ma thuật’ có thể chữa khỏi bệnh cho bạn,” ông nói, giải thích việc sử dụng các loại thuốc chưa được chứng minh khi các trường hợp COVID-19 tăng vọt.

Khi Suman Shrivastava, 57 tuổi, bị nhiễm virus, bác sĩ của bà ở thành phố Kanpur, bang Uttar Pradesh, đã kê đơn thuốc Ivermectin. Khi các triệu chứng của bà trở nên tồi tệ hơn, bác sĩ sau đó yêu cầu bà dùng Favipiravir, một loại thuốc kháng virus, mặc dù nó chưa được chứng minh là chống lại COVID-19.

Cháu trai của bà, Rajat Shrivastava, nói rằng loại thuốc đó rất khó tìm, nhưng cuối cùng anh đã đặt được nó ở một hiệu thuốc. Anh cũng tìm mua thêm được từ Twitter và hiện giờ dì của anh đang hồi phục tốt.

Tiến sĩ Anant Bhan, người nghiên cứu về sức khỏe cộng đồng và đạo đức ở thành phố Bhopal, cảnh báo rằng có những rủi ro trong việc tự điều trị. Bhan cho biết thuốc kháng virus và steroid nên được thực hiện trong bệnh viện do nguy cơ có tác dụng phụ. Ngoài ra, các loại thuốc chưa được chứng minh này dù có thể cứu sống ở một thời điểm, nhưng nó có thể gây hại vào thời điểm khác, tùy thuộc vào thời điểm và mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Siddhant Sarang, tình nguyện viên của Yuva Halla Bol, một nhóm hoạt động thanh niên đang giúp bệnh nhân tìm thuốc và giường bệnh, cho biết giá thị trường chợ đen của thuốc Remdesivir do một số công ty Ấn Độ sản xuất, đã tăng gấp 20 lần lên khoảng 1.000 USD.

Vào tháng 9, dữ liệu liên bang cho thấy các nhà sản xuất thuốc Ấn Độ đã sản xuất hơn 2,4 triệu lọ thuốc. Nhưng khi số ca nhiễm giảm vào tháng 9, các công ty đã tiêu hủy phần lớn hàng tồn kho hết hạn sử dụng và sản lượng sụt giảm.

Ấn Độ sau đó đã chậm phản ứng với sự gia tăng của các ca nhiễm trùng trong đợt lây nhiễm thứ hai vào tháng Hai, và sản xuất chỉ bắt đầu tăng tốc vào tháng Ba. Đầu tuần này, Merck đã công bố một thỏa thuận với năm nhà sản xuất thuốc ở Ấn Độ để sản xuất Molnupiravir, một loại thuốc kháng virus thử nghiệm tương tự như Remdesivir, nhưng ở dạng thuốc viên tiện lợi hơn. 

Với nhu cầu cao, ông Sarang cho biết những kẻ buôn ở thị trường chợ đen thường đòi trả trước bằng tiền mặt.

Ông nói: “Mọi người sẽ đến các đại lý với 200.000 đến 300.000 rupee (2.700 – 4.000 USD) trong một chiếc vali.”

Các nhà chức trách đã bắt đầu cuộc trấn áp những kẻ buôn thuốc này. Ví dụ, ở New Delhi, các cuộc đột kích đang được thực hiện vào các cửa hàng hoặc những người bị nghi ngờ tích trữ bình oxy và thuốc men.

Lê Vy (theo AP)

Xem thêm: