Những người biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông đã dừng xuống đường trong tháng qua trước lo ngại về sự lây lan của dịch corona. Tuy nhiên, thời gian gần đây, sự bất mãn với chính quyền tiếp tục dâng cao khi người dân cho rằng chính quyền của bà Carrie Lam đã phản ứng không phù hợp với diễn biến của bệnh dịch, trong đó đặc biệt là việc từ chối đóng cửa hoàn toàn với Trung Quốc Đại lục. 

Carrie Lam, Lâm Trịnh Nguyệt Nga
Mức độ người dân ủng hộ Trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga đã đạt mức kỷ lục mới, thấp nhất trong lịch sử, khi có tới 80% người phản đối. (Ảnh: Epoch Times)

Cuộc khủng hoảng dịch corona đã khiến các đồ dùng phòng dịch thiết yếu như khẩu trang, nước rửa tay trở nên khan hiếm. Người dân xếp hàng dài trước các cửa hàng với hy vọng mua được khẩu trang, trong khi đó ở siêu thị, giấy vệ sinh, dung dịch tẩy rửa và nhiều nhu yếu phẩm đã bị mua sạch. 

“Bất kể quan điểm chính trị, người dân ở Hồng Kông đã mất niềm tin vào chính phủ của Carrie Lam,” ông Mike Lam, giám đốc điều hành của chuỗi cửa hàng bách hóa AbouThai nói. Cửa hàng của ông có tới 100.000 yêu cầu đăng ký mua khẩu trang, trong khi ông chỉ có khoảng 3.400 hộp trong kho. 

“Bây giờ, nó không thực sự là về chính trị, mà là về chính cuộc sống của bạn”, ông Clement Chung, chủ tịch của Liên minh nhân viên ngành công nghiệp dược phẩm và thiết bị y tế Hồng Kông cho biết, nói thêm rằng người dân thật sự thất vọng, tức giận và muốn một sự thay đổi.  

Dịch COVID-19 và cái giá của việc đánh đổi tự do

“Đóng cửa biên giới – Cứu Hồng Kông”

Việc bà Lam từ chối đóng cửa hoàn toàn biên giới với Trung Quốc Đại lục, vốn được coi là một động thái nhằm xoa dịu Bắc Kinh, đã khiến nhiều người ở Hồng Kông nổi giận.

Bốn lãnh đạo hiện tại và trước đây của Đảng Tự do, thường ủng hộ chính phủ Hồng Kông và Trung Quốc, thậm chí đã đồng loạt lên tiếng chỉ trích bà Lam về vấn đề này.

“Khi virus corona càn quét Đại lục, quyết định đúng đắn duy nhất bà nên đưa ra là đóng cửa biên giới ngay lập tức”, họ viết cho bà Lam, nhận xét phản ứng của bà là do dự và không hiệu quả.

Theo một cuộc khảo sát của Viện nghiên cứu ý kiến công cộng Hồng Kông công bố đầu tháng 2, có tới 3/ 4 cư dân Hồng Kông đồng tình với việc đóng cửa biên giới. Đại đa số các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ được hỏi ý kiến từ Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Hồng Kông cũng cho biết họ muốn đóng cửa biên giới.

Trong tuần đầu tiên của tháng 2, khoảng 8.000 bác sĩ, y tá và nhân viên y tế trong Liên minh nhân viên bệnh viện (HAEA) mới thành lập đã tham gia một cuộc đình công kéo dài năm ngày, hô vang: “Đóng cửa biên giới, cứu Hồng Kông”.

Vài giờ sau khi cuộc đình công bắt đầu, bà Lam tuyên bố đóng cửa thêm 4 cửa khẩu biên giới vào Trung Quốc Đại lục, tức 10 trong số 13 trạm kiểm soát biên giới đã bị đóng. 

Nhưng người dân muốn tất cả đều phải đóng. Và động thái xoa dịu của bà Lam đã không đủ để ngưng lại sự thất vọng của dân chúng.

Ông Lee Cheuk Yan, một nhà hoạt động và cựu chính trị gia dân chủ cho biết: “Sự tức giận đang tăng lên sẽ thúc đẩy các cuộc biểu tình trong tương lai chống lại chính phủ và cho nền dân chủ”. Ông dự đoán các cuộc tuần hành tiếp theo có thể sẽ bắt đầu vào khoảng ngày 1/7, kỷ niệm 23 năm nước Anh trao lại quyền kiểm soát Hồng Kông cho Trung Quốc, hoặc sẽ có thể sớm hơn nếu tình hình bệnh dịch có dấu hiệu tốt lên.

Cảnh sát chống bạo động Hồng Kông nhiễm ‘viêm phổi Vũ Hán’

“Tại sao bà Carrie Lam không đối xử với các nhân viên y tế Hồng Kông như bà đã làm với cảnh sát?”

Một bài bình luận trên tờ SCMP của tác giả Chan Chau-yuen ở Wan Chai đã chỉ trích bà Carrie Lam “phân biệt đối xử” giữa nhân viên y tế và cảnh sát ở Hồng Kông.

Bài viết cho biết các nhân viên chăm sóc y tế không có nghĩa vụ phải mạo hiểm mạng sống của họ để chống lại bệnh dịch và một chính phủ có năng lực sẽ không yêu cầu họ làm như vậy.

Bài viết nói: “Bà Carrie Lam đã miễn cưỡng thừa nhận sự thiếu hụt khẩu trang bảo vệ tại Hồng Kông nhưng vẫn từ chối học hỏi từ các nước láng giềng đã đưa ra lệnh cấm du lịch và nhập cảnh đối với người dân từ Đại lục. Để bảo vệ mình, chính phủ đã lập luận một cách không khoa học rằng bất kỳ biện pháp nào như vậy sẽ là phân biệt đối xử.”

Việc siết chặt kiểm soát biên giới thành phố chỉ đến sau khi các nhân viên y tế đã can đảm bắt đầu một cuộc đình công kéo dài năm ngày. Tuy nhiên, họ lại bị bà Lam chỉ trích gay gắt vì thiếu tinh thần trách nhiệm, “phản bội lại niềm tin của công chúng.” 

“Thật đáng tiếc, sai lầm của chính phủ đã nhanh chóng bị chuyển sang lĩnh vực y tế,” bài bình luận viết. “Nếu chính phủ không đủ khả năng ngăn chặn sự lây lan của virus, điều này không chỉ ảnh hưởng đến dân chúng, mà còn làm cạn kiệt hệ thống y tế. Các nhân viên y tế đang vật lộn hàng ngày với các nguồn cung hạn chế được quyền nêu lên những quan ngại của họ. Họ không có trách nhiệm pháp lý và đạo đức để chấp nhận các rủi ro cá nhân và hy sinh mạng sống của họ để chống lại dịch bệnh.”

Giống như lực lượng cảnh sát, các nhân viên y tế Hồng Kông phải chịu những áp lực đáng kể và phải thường xuyên đưa ra các quyết định nhanh chóng khi làm việc. 

“Bất chấp việc công chúng chỉ trích cảnh sát về việc sử dụng vũ lực của họ đối với người biểu tình, chính phủ chúng ta tiếp tục cam kết hỗ trợ đối với lực lượng này. Thế nhưng chính phủ này lại thậm chí không thể cung cấp đồ bảo hộ cho các nhân viên y tế tuyến đầu.”

Bài bình luận kêu gọi chính phủ Hồng Kông nên thực hiện các chính sách hiệu quả hơn để đối phó với dịch corona tại Hồng Kông. Sự can thiệp do dự và manh mún của chính phủ sẽ chỉ gây thêm sự phẫn nộ trong cộng đồng.

“Chúng ta cần một người lãnh đạo có thể đoàn kết người Hồng Kông, chứ không phải một ai đó cứ làm trái ý nhân dân dù là cố ý hay vô ý.”

Gia Huy (tổng hợp)

Xem thêm: