Hàng trăm người dân Thái Lan đã xuống đường hôm thứ Năm (24/6, giờ địa phương) để kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và thay đổi hiến pháp nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của chế độ quân chủ quyền lực.

Embed from Getty Images

Cuộc biểu tình đã diễn ra bất chấp lệnh cấm tụ tập đông người nơi công cộng vì đại dịch COVID-19. Cuộc biểu tình cũng đến vào thời điểm chính phủ của Thủ tướng Prayuth Chan-ocha phải đối mặt với sự chỉ trích mạnh mẽ của công chúng về cách xử lý đại dịch virus corona, kinh tế phục hồi chậm và chính sách vắc-xin liên quan đến một công ty thuộc sở hữu của Nhà vua Maha Vajiralongkorna.

Theo Reuters, ông Jatupat “Pai Daodin” Boonpattararaksa, lãnh đạo cuộc biểu tình, đã nói với đám đông ở thủ đô Bangkok: “Hiến pháp phải đến từ người dân”.

Cuộc biểu tình hôm 24/6 cũng đánh dấu ngày mà Thái Lan tuyên bố kết thúc chế độ quân chủ chuyên chế toàn trị vào năm 1932.

Ông Jatupat nói: “Trong 89 năm kể từ khi kết thúc chế độ chuyên chế, chúng ta chưa có gì hết”.

Phó cảnh sát trưởng Bangkok, ông Piya Tavichai cho biết sở cảnh sát thủ đô đã triển khai khoảng 2.500 sĩ quan cảnh sát để duy trì trật tự công cộng.

Tập trung đông người vào thời điểm này là không phù hợp bởi vì nó có thể dẫn tới gia tăng lây lan virus [corona]”, ông Piya Tavichai nói.

Cuộc biểu tình lần này là sự trở lại của phong trào phản đối chính phủ diễn ra từ năm ngoái với sự lãnh đạo của các nhà hoạt động trẻ tuổi.

Một năm trước, hàng trăm nghìn người dân Thái Lan khắp cả nước đã xuống đường để yêu cầu Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức và thay đổi hiến pháp. Tuy nhiên, phong trào phản kháng đã bị đình trệ sau khi chính phủ triển khai lực lượng an ninh để trấn áp người dân, bắt giữ lãnh đạo biểu tình và cũng do bùng phát làn sóng lây nhiễm mới COVID-19. Cho đến nay, các lãnh đạo biểu tình tại Thái Lan đã được bảo lãnh tại ngoại.

Trong phong trào biểu tình này, người dân Thái Lan đã phá vỡ truyền thống cấm kỵ chỉ trích nhà vua. Họ đã công khai lên án Vua Maha Vajiralongkorna và Hoàng gia bất chấp rủi ro phải ngồi tù đến 15 năm.

Như Ngọc (Theo Reuters)