Hôm thứ Bảy (27/3), ông Petr Kellner, người giàu nhất Cộng hòa Séc, kiêm nhà sáng lập Tập đoàn PPF, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở vùng sông băng của Alaska, hưởng thọ 56 tuổi. Trong suốt cuộc đời của mình, ông bị cáo buộc là người môi giới quan trọng của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Đông Âu, và có quan hệ mật thiết với ông Diệp Giản Minh, ông chủ của Tập đoàn Năng lượng Hoa Tín Trung Quốc. Tập đoàn Home Credit của ông Kellner là công ty tài chính 100% vốn nước ngoài duy nhất tại Trung Quốc.

Sông băng Alaska
Hôm thứ Bảy (27/3), ông Petr Kellner, người giàu nhất Cộng hòa Séc, kiêm nhà sáng lập Tập đoàn PPF, đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng tại vùng sông băng của Alaska. (Ảnh minh họa: Daxis
/ Flickr)

Nhà tài phiệt Đông Âu gặp tai nạn và chết ở Alaska

Tối ngày 27/3, một chiếc trực thăng ngắm cảnh đã bị rơi tại khu vực sông băng Knik, miền nam Alaska, 5 người trên máy bay thiệt mạng và một người bị thương nặng, trong đó có ông Kellner, tỷ phú người Séc. Vụ tai nạn đang được điều tra.

Tờ New York Times đưa tin, theo khách sạn cho thuê máy bay, thứ Bảy ông Kellner và những người khác đã lên chiếc trực thăng AS350 B3, nhưng chiếc trực thăng này đã không quay trở lại vào ngày hôm đó. Lực lượng cứu hộ nói rằng họ đã được thông báo lúc 10 giờ tối và tìm thấy các mảnh vỡ của vụ rơi máy bay gần sông băng Knik.

Những người thiệt mạng gồm 2 người Séc và 3 người Mỹ. Ngoài ông Kellner, 4 người khác thiệt mạng gồm: ông Benjamin Larochaix (người Séc), 2 hướng dẫn viên của khách sạn là Gregory Harms và Sean McMannany, và ông Zach Russel là phi công trực thăng.

Theo cảnh sát bang Alaska, chỉ có một nạn nhân duy nhất sống sót trong tình trạng ổn định, và Ban An toàn Giao thông Vận tải Quốc gia đang điều tra để xác định nguyên nhân vụ tai nạn.

Ông Kellner là ông chủ của Tập đoàn PPF, một trong những tập đoàn tài chính và đầu tư lớn nhất ở Trung và Đông Âu. Tạp chí Forbes ước tính giá trị tài sản ròng của ông là 17,5 tỷ USD. Sau sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc năm 1989, Cộng hòa Séc đã tiến hành tư nhân hóa quy mô lớn các tài sản thuộc sở hữu nhà nước, ông Kellner đã tích lũy được khối tài sản khổng lồ trong quá trình này.

Tập đoàn PPF của ông Kellner mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm, tài chính tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông, bất động sản, công nghệ sinh học và các lĩnh vực khác. Tính đến cuối năm 2018, tài sản của Tập đoàn PPF đã vượt quá 45 tỷ euro. Ngân hàng Quốc gia Séc đã liệt kê công ty vào danh sách “tổ chức tài chính quan trọng có hệ thống”.

Điều đặc biệt gây chú ý là Tập đoàn PPF cũng tham gia vào lĩnh vực viễn thông, truyền thông và công nghệ sinh học. Tập đoàn này là cổ đông duy nhất của Công ty TNHH Cơ sở hạ tầng Viễn thông Séc (CETIN), đồng thời mua lại O2 Czech Republic, công ty khai thác viễn thông lớn nhất tại Cộng hòa Séc. Ngoài ra, họ đã mua Nova Nova, đài truyền hình tư nhân đầu tiên của Cộng hòa Séc, vào năm 2002. Năm 2019, họ đã mua lại Doanh nghiệp Truyền thông Trung Âu (CME) từ AT&T với giá 1,62 tỷ bảng Anh.

Ông Kellner đóng vai trò trung gian giữa Tổng thống Zeman và ĐCSTQ

Ngày 19/11/2020, “Initium Media”, kênh truyền thông Hồng Kông tiết lộ rằng có 2 người trung gian đã kết nối Tổng thống Zeman với ĐCSTQ: Một người là ông Kellner, người kia là ông Diệp Giản Minh, chủ tịch Tập đoàn Năng lượng Hoa Tín Trung Quốc (CEFC). Sau khi ông Diệp Giản Minh bị ĐCSTQ bắt giữ vào đầu năm 2018, “con đường môi giới” từ Trung Quốc này đã bị cắt đứt.

Ông Kellner luôn định vị Trung Quốc là thị trường mục tiêu quan trọng. Trong hơn 10 năm giao lưu giữa Cộng hòa Séc và ĐCSTQ, ông Kellner đã đóng vai trò trung gian giữa Tổng thống Séc và ĐCSTQ. Tập đoàn tín dụng Home Credit BV trực thuộc của ông đã có được các quyền đặc biệt ở Trung Quốc và là “công ty tài chính tiêu dùng 100% vốn nước ngoài duy nhất của Trung Quốc.”

Với sự thúc đẩy của ông Kellner, Tập đoàn PPF và Home Credit BV, Tổng thống Zeman đã tương tác thường xuyên với ĐCSTQ. Đầu tiên, Tổng thống Zeman đã thăm Trung Quốc liên tiếp vào năm 2014 và 2015, sau đó ông Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên tới Cộng hòa Séc năm 2016. Từ năm 2017 đến 2019, Tổng thống Zeman đều đến thăm Trung Quốc hàng năm để gặp ông Tập Cận Bình. Trong giai đoạn này, Tổng thống Zeman đã thúc đẩy việc ký kết một số thỏa thuận giữa Cộng hòa Séc và ĐCSTQ, thúc đẩy mạnh mẽ “Một vành đai, một con đường” của ĐCSTQ để thâm nhập vào Cộng hòa Séc và châu Âu.

Sau khi mất liên lạc với ông Diệp Giản Minh vào năm 2018, Tập đoàn PPF và Tập đoàn CITIC đã ký bản ghi nhớ hợp tác chiến lược. Hai bên được cho là sẽ thực hiện hợp tác toàn diện, đa lĩnh vực. Động thái này được gọi là một phần của kế hoạch “Con đường tơ lụa mới” Séc-Trung.

Ông Kellner tham gia vào một số vụ bê bối đã giúp ĐCSTQ mở rộng tầm ảnh hưởng

Ngày 5/1 năm nay, tờ “Guardian” của Anh đưa tin rằng bản thân ông Kellner bị cuốn vào trung tâm của một vụ bê bối do ĐCSTQ khởi xướng và gây ảnh hưởng lên Cộng hòa Séc. Ông ấy bị nghi ngờ đã giúp cải thiện hình ảnh của ĐCSTQ ở các nước Trung Âu.

Ngày 11/12 năm ngoái, trang web truyền thông Séc “Aktualne.cz” đưa tin rằng có một “mạng lưới các chuyên gia, nhà báo và các nhà lãnh đạo chính trị” ở Cộng hòa Séc. Mục đích của mạng lưới này là quảng bá “hình ảnh tích cực” của ĐCSTQ, nhằm “gây ảnh hưởng đến xã hội Séc”. Dự án này được tài trợ bởi Tập đoàn Home Credit.

Bài báo cho biết Tập đoàn Home Credit đã thành lập một cơ quan quan hệ công chúng truyền thông có tên “C&B Reputation Management”, thuộc sở hữu của ông Tomas Jirsa. Kể từ tháng Một năm ngoái, ông Jirsa đã phụ trách Info.cz, trang web chính của Séc. Sau đó, trang web đã đăng tải một số bài viết quảng bá cho ĐCSTQ. Nội dung của các bài viết tương tự như quảng cáo và được Home Credit đăng có thu phí.

“C&B Reputation Management” cũng thành lập Sinoskop, một tổ chức tư vấn ủng hộ Bắc Kinh vào tháng 6 năm ngoái. Người đứng đầu tổ chức tư vấn này thường xuyên nhận các cuộc phỏng vấn của giới truyền thông Séc.

Tháng 11 năm ngoái, Đại sứ quán Trung Quốc tại Cộng hòa Séc đã tài trợ các khóa học liên quan đến dự án “Một vành đai, một con đường” tại Đại học Charles ở Praha. Tập đoàn Home Credit, với tư cách là nhà tài trợ của Đại học Charles, đã tuyên bố rằng trường đại học không được làm tổn hại đến lợi ích toàn cầu của Home Credit, bao gồm việc khiến chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không hài lòng. Sau khi tin tức này bị các trường học và dư luận chỉ trích, Home Credit cuối cùng đã rút lại khoản tài trợ 50.000 bảng Anh cho Đại học Charles.

Theo Từ Giản, Epoch Times

Xem thêm: