Theo truyền thông đưa tin, năm 2022, ông Trương Trung Mưu (Morris Chang), nhà sáng lập TSMC, đã nói thẳng với bà Pelosi rằng nếu Hoa Kỳ muốn có một ngành công nghiệp bán dẫn đáng tin cậy, không phải chỉ cần chi nhiều tiền là có thể giành lấy thị trường chip, mà phải đảm bảo an ninh của Đài Loan.

p3245821a396130239
Nhà sáng lập TSMC Trương Trung Mưu (Morris Chang) và vợ ông – bà Trương Thục Phân (Sophie Chang). (Ảnh: CNA)

Khi Politico – một hãng truyền thông chính trị nổi tiếng của Mỹ, phỏng vấn bà Pelosi – cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ, bà nhớ lại rằng ông Trương Trung Mưu đã nói về “Đạo luật khoa học và chip” do Hoa Kỳ ban hành và khoản trợ cấp 52 tỷ USD của chính phủ tại bữa tiệc trưa được tổ chức tại Dinh Tổng thống vào tháng 8/2022.

Bà Pelosi cho biết ông Trương Trung Mưu đưa ra một câu hỏi “khiến người ta phải suy ngẫm” vào thời điểm đó. Ông hỏi liệu dự luật chip và chính sách bán dẫn của Mỹ có thực sự muốn hỗ trợ các ngành công nghiệp tiên tiến, hay họ chỉ nhất thời “bốc đồng” với thị trường béo bở này?

Ông Trương nói rằng TSMC sớm đã được triển khai tại bang Arizona. Ông cũng rất vui khi thấy TSMC có thể hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của Chính phủ Hoa Kỳ. Tuy nhiên, “Mỹ có thực sự nghĩ rằng bằng cách đó, họ sẽ có thể nắm bắt thị trường sản xuất chip hay không?”

Ông nói với bà Pelosi rằng có một “khoảng cách rất xa” giữa việc “viết séc” và thiết lập một ngành công nghiệp chip tự cung tự cấp. Sẽ rất ngây thơ nếu Mỹ nghĩ rằng họ có thể giành lấy thị trường sản xuất thiết bị điện tử phức tạp nhất này bằng cách chi rất nhiều tiền, bởi đây không phải là điều có thể giải quyết chỉ bằng cách “vung tiền”.

Ông kiến nghị bà Pelosi rằng việc sản xuất chip bán dẫn cần nhiều lao động và chất lượng lắp ráp cũng phải được chú ý. Thay vì hiện giờ đầu tư nhiều tiền xây dựng các ngành công nghiệp, tốt hơn hết là đầu tư vào việc bảo vệ an ninh của Đài Loan. Xét cho cùng thì TSMC đã hoàn thành các ngành công nghiệp mà hiện giờ Hoa Kỳ mới muốn tự mình xây dựng.

Bà Pelosi cho biết bà cũng gửi đi một thông điệp trong cuộc họp rằng: “Chúng tôi biết mình đang làm gì. Chúng tôi quyết tâm thành công và đây là một khởi đầu tốt”.

Politico đưa tin, nhận xét của ông Trương Trung Mưu phản ánh những thách thức mà chính sách bán dẫn của Hoa Kỳ phải đối mặt. Ông Biden phải tìm cách đảm bảo sự thành công của chính sách này sau khi cổ tức chính trị giảm dần, và các khoản trợ cấp hào phóng cho doanh nghiệp lớn cạn kiệt.

Năm 2022, ông Trương Trung Mưu được một tổ chức tư vấn của Mỹ phỏng vấn, người dẫn chương trình đã hỏi, hạn chế lớn nhất hiện nay của Hoa Kỳ về việc tăng năng lực sản xuất chip trong nước là gì? Ông trả lời rằng đó là sự thiếu hụt nhân sự sản xuất chất bán dẫn.

Ông giải thích rằng kinh nghiệm thành lập nhà máy tại bang Oregon 25 năm trước của TSMC có thể chứng minh điểm này. Mặc dù nhà máy có thể tạo ra lợi nhuận, nhưng họ gần như đã từ bỏ mọi kế hoạch mở rộng nhà máy này vì “khi so sánh chi phí, chi phí sản xuất chip ở Hoa Kỳ cao hơn 50% so với ở Đài Loan.”

Ông Trương cho biết Hoa Kỳ đã đưa ra các chính sách trợ cấp hàng chục tỷ đô la cho việc nội địa hóa chất bán dẫn, nhưng nó không đủ để thúc đẩy kinh phí cần thiết cho việc sản xuất chip trong nước, “đó là một hành động tốn kém và vô ích”. Mặc dù năng lực sản xuất ở Hoa Kỳ sẽ tăng lên nhưng chi phí cũng cao.

Ông nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ có năng lực thiết kế chip tốt nhất. Có rất ít tài năng như vậy ở Đài Loan, thậm chí ở TSMC cũng không. Tuy nhiên, về mặt sản xuất, Hoa Kỳ có giá thành cao, và có thể gây khó khăn cho Hoa Kỳ để cạnh tranh trên thị trường thế giới.