Nhật Bản đặt mục tiêu thu hút 100.000 tỷ YEN (khoảng 750 tỷ USD) vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào năm 2030 và nhân tài từ nước ngoài trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh, theo tờ Japan Times.

vốn đầu tư
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida. (Ảnh: Shag 7799/Shutterstock)

Kế hoạch thu hút vốn đầu tư và nhân tài từ nước ngoài nêu trên được đưa ra khi đại dịch COVID-19 và xung đột Nga-Ukraine càng nhấn mạnh sự cần thiết phải hợp lý hóa và tăng cường nguồn cung cho các lĩnh vực quan trọng, và đảm bảo an ninh quốc gia.

Nhật Bản muốn nâng cao vị thế của mình như một trung tâm nghiên cứu và sản xuất, đồng thời tận dụng sự suy yếu của đồng YEN để thúc đẩy đầu tư nước ngoài.

Theo kế hoạch, Nhật Bản sẽ sử dụng kinh phí và các nguồn lực khác để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược như chất bán dẫn, số hóa, công nghệ xanh và chăm sóc sức khỏe. Nước này cũng sẽ tìm cách phát triển nguồn nhân lực cần thiết thông qua hợp tác ba bên giữa chính phủ, các công ty và giới học thuật.

Dự án xây dựng nhà máy sản xuất chip của TSMC tại tỉnh Kumamoto, phía Tây Nam Nhật Bản, là một ví dụ gần đây về sự chung tay của khu vực công và tư nhân, khi chính phủ quyết định mở rộng hỗ trợ tài chính.

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã coi lĩnh vực kỹ thuật số và chuyển đổi xanh là những lĩnh vực đầu tư trọng điểm. Ông cho hay rằng kế hoạch hành động trên sẽ làm cho Nhật Bản cởi mở hơn với thế giới.

Nhật Bản đã tụt hậu so với các nước khác trong thu hút đầu tư và nhân tài từ nước ngoài. Năm 2022, tổng đầu tư ra nước ngoài của Nhật Bản đạt 270.000 tỷ YEN, gấp hơn 5 lần so với FDI.

Với tình trạng thiếu lao động trầm trọng và dân số lao động dự kiến thu hẹp hơn nữa, Nhật Bản, từng được biết đến với chính sách nhập cư nghiêm ngặt, đã từng bước mở cửa cho lao động nước ngoài.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 thúc đẩy một cái nhìn mới về phong cách làm việc, chính phủ sẽ xem xét các biện pháp để thu hút những người “du mục kỹ thuật số” (những người kết hợp du lịch với làm việc từ xa). Hiện tại Nhật Bản chưa cấp thị thực dành riêng cho đối tượng này, trong khi hàng chục quốc gia như Iceland và Bồ Đào Nha đã thực hiện.

Ngoài ra, Nhật Bản cũng dự kiến cho phép các doanh nhân muốn bắt đầu kinh doanh tại Nhật Bản ở lại lâu hơn theo “thị thực khởi nghiệp” với thời gian lưu trú tối đa lên đến 1 năm.

Phan Anh

Video: SOS: “Dâm thư” nguy hiểm đang núp bóng sách dành cho trẻ em