Dựa trên nguyên tắc của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe rằng “tình trạng khẩn cấp của Đài Loan cũng là tình trạng khẩn cấp của Nhật Bản”, nước này sẽ thành lập Lực lượng Phòng vệ Okinawa để chống lại mối đe dọa quân sự từ Bắc Kinh.

1060px Type 12 AShM firing Japan GSDF
Hình ảnh tên lửa đất đối hạm loại 12. (Nguồn: Lực lượng Phòng vệ Mặt đất Nhật Bản/ Flickr)

Truyền thông Nhật Bản đưa tin vào ngày 3/12, Bộ Quốc phòng nước này sẽ thành lập Tổ hợp Phòng thủ Okinawa thuộc Lực lượng Phòng vệ Mặt đất (GSDF) như một đơn vị mới tại trung tâm quốc phòng của quần đảo Nansei.

Đơn vị mới sẽ được triển khai cho Lữ đoàn 15 thuộc GSDF (Naha, Okinawa) và dự kiến sẽ hoàn tất vào năm 2027. Chính sách về Lực lượng Phòng vệ mới sẽ được đưa vào Kế hoạch Phát triển Lực lượng Phòng vệ và được nội các phê duyệt trước thời điểm cuối năm 2022.

Lữ đoàn 15, được thành lập năm 2010 và đóng tại quận Naha Garrison, có khoảng 2.000 quân, bao gồm một đại đội bộ binh tổng hợp, một đại đội đặc nhiệm phòng không và một đơn vị trinh sát. Bộ quốc phòng Nhật Bản có kế hoạch bổ sung một đại đội bộ binh và nâng cấp Lữ đoàn 15 thành Cụm phòng thủ Okinawa. Tổ hợp mới sẽ tăng lên khoảng 3.000 người và tiếp tục đóng quân ở Naha.

Các đơn vị chiến đấu của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) được chia thành 9 sư đoàn và 6 lữ đoàn tương đương, tổ hợp mới sẽ được bố trí ở đâu đó ở giữa. Bộ Quốc phòng Nhật Bản quyết định rằng lữ đoàn cần phải được nâng cấp thành quân đoàn để tăng cường phòng thủ quần đảo Nansei gần Đài Loan, trong bối cảnh Bắc Kinh đe dọa “thống nhất” quân sự với quốc đảo này.

Chuyên gia: Chính phủ Nhật Bản tuân theo nguyên tắc của ông Abe

Theo ông Yang Si, một bác sĩ từ Viện Khoa học Trung Quốc hiện đang sống tại Nhật Bản, động thái này cho thấy Chính phủ Nhật Bản đang thực hiện những gì mà cố Thủ tướng Shinzo Abe đã tuyên bố vào năm ngoái.

Ông Yang trả lời tờ Epoch Times vào ngày 8/12 rằng trong quá khứ, JSDF chủ yếu phòng thủ trước Liên Xô và sau đó là Nga; họ không coi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một mối đe dọa lớn. Do đó, sức mạnh quân sự của JSDF ở Okinawa bị hạn chế. Việc Nhật Bản hiện đang tăng cường hiện diện quân sự quanh Okinawa cho thấy rằng họ đã bắt đầu coi ĐCSTQ là một mối đe dọa lớn.

JSDF đã thành lập một đơn vị đồn trú mới trên đảo Yongagunijima vào tháng 3/2016 và đảo Miyako vào tháng 3/2019. Một đơn vị đồn trú khác trên đảo Ishigaki sẽ được hoàn tất vào năm 2023. Lực lượng bảo vệ bờ biển và lực lượng an ninh của Nhật Bản đóng quân tại các đảo để bảo vệ biên giới, trong đó đơn vị đồn trú lớn nhất đảo Miyako chỉ có khoảng 700 quân.

Việc thành lập Tổ hợp phòng thủ Okinawa sẽ cho phép triển khai quân đội từ đảo chính Okinawa tới nhiều hòn đảo xa xôi khác trong trường hợp khẩn cấp trước khi quân hỗ trợ đến, từ đó tăng cường khả năng răn đe.

ĐCSTQ đã bày tỏ sự không hài lòng mạnh mẽ đối với động thái của Nhật Bản, khẳng định rằng việc Nhật Bản tăng cường chi tiêu quốc phòng và mở rộng quân sự sẽ “đe dọa” hòa bình và ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng cảnh báo Nhật Bản không nên vượt quá giới hạn trong các vấn đề nhạy cảm như Đài Loan.

Ông Murakami, một nhân viên của Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Osaka tại Nhật Bản, trả lời tờ Epoch Times vào ngày 7/12: “ĐCSTQ luôn đi quá giới hạn nhưng không bao giờ tự xem lại mình. Đảng này cũng tẩy não người dân của mình, dạy họ căm ghét, phẫn nộ Nhật Bản và Hoa Kỳ; nhưng người Nhật gần gũi với Hoa Kỳ hơn.”

“[Người Nhật] tin tưởng và dựa vào Hoa Kỳ, đồng thời hy vọng rằng nền kinh tế và thương mại của Nhật Bản sẽ thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng sớm càng tốt.”

Chuyên gia Trung Quốc: Ông Tập Cận Bình cần một kẻ thù ngoại quốc để chuyển hướng sự chú ý

Phát biểu trong một sự kiện ngày 29/11 tại Viện Chính trị Thế giới (IWP), ông Gordon Chang, tác giả cuốn “Trung Quốc sắp sụp đổ”, cho biết ông Tập Cận Bình đang tiến hành xây dựng quân đội nhanh nhất kể từ Thế chiến II, trong khi giới chính trị và quân sự của Mỹ lại không coi trọng các kế hoạch chiến tranh của ông Tập và thiếu cảm giác về sự cấp bách.

Ông Chang tin rằng ông Tập Cận Bình cần một kẻ thù ngoại quốc, chẳng hạn như Đài Loan và Nhật Bản, để hướng sự chú ý của người dân Trung Quốc khỏi sự lãnh đạo của ông ấy.

“Để đánh lạc hướng và chuyển hướng sự chú ý của những người biểu tình trong nước, ĐCSTQ thường dựng lên những kẻ thù tưởng tượng, và thậm chí đại dịch cũng được cho là một thế lực nước ngoài.”

Một giáo viên ở Thượng Hải có bút danh là Xu Ning chia sẻ với tờ Epoch Times vào ngày 8/8 rằng: “Tất cả các ngành công nghiệp đều đình trệ. Nhiều doanh nghiệp đã phá sản trong đại dịch. Mọi người tuyệt vọng, các em sinh viên bối rối và những người lao động nhập cư thậm chí còn bất lực hơn khi họ không thể về nhà và phải ở trong những căn nhà lạnh lẽo được dựng sẵn, đó là một cảm giác không thể nào quên.”

Vy An (Theo Epoch Times)