Trong bối cảnh hiện nay, nhiều quốc gia đang có xu hướng gỡ bỏ các hạn chế phòng COVID-19 như xuất trình chứng nhận tiêm chủng khi đến một số địa điểm, bắt buộc đeo khẩu trang, phong tỏa hay làm việc từ xa (online). Nguyên nhân mà chính phủ những nước này đưa ra quyết sách mới là bởi các biện pháp trên không còn mang lại hiệu quả, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến rất căng thẳng, trong khi tác động tiêu cực đến nền kinh tế và tâm lý của người dân là không hề nhỏ.  

hạn chế
(Ảnh minh họa: Par cktravels.com/Shutterstock)

Tại Anh, Thủ tướng Boris Johnson ngày 19/1 tuyên bố các hạn chế chống dịch COVID-19 tại quốc gia này sẽ chính thức được hủy bỏ từ tuần sau, dựa trên nhận định từ giới chức y tế Anh rằng làn sóng nhiễm biến thể Omicron tại Anh đã đạt đỉnh và COVID-19 đang ngày càng có xu hướng trở thành bệnh đặc hữu, theo đó, người dân sẽ sống chung với virus corona.

Thông tin trên được Thủ tướng công bố trước các nghị sĩ Anh trong phiên trả lời chất vấn chiều ngày 19/1, theo đó, từ ngày 27/1, hầu hết các hạn chế chống dịch nằm trong “phương án B” mà chính phủ Anh đang thực hiện sẽ được bãi bỏ. Cụ thể, việc đeo khẩu trang sẽ không còn bắt buộc và việc kiểm tra giấy chứng nhận y tế đã tiêm vắc-xin hay xét nghiệm âm tính với virus corona cũng sẽ không còn bắt buộc phải thực hiện với những người muốn đến các địa điểm như hộp đêm hay những nơi tụ tập đông người. Riêng khuyến cáo làm việc từ xa đối với các lao động sẽ được bãi bỏ ngay lập tức từ ngày 20/01.

Tại Ireland, nước này hiện đang chuẩn bị gỡ bỏ hầu như tất cả các quy định hạn chế COVID-19 một cách nhanh chóng. Được biết, Ireland có tỉ lệ mắc COVID-19 cao thứ 2 ở Châu Âu chỉ trong tuần trước nhưng cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêm liều vắc-xin bổ sung cao nhất châu lục.

Tại Thụy Điển, ngày 18/1, chính phủ nước này thông báo rằng các du khách sẽ không còn phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 khi nhập cảnh.

Ngày 28/12/2021, chính phủ Thụy Điển đã ban hành quy định yêu cầu du khách tới nước này phải xuất trình giấy xét nghiệm âm tính nhằm ngăn chặn sự lây lan của biến chủng mới Omicron. Kể từ đó, Thụy Điển liên tục ghi nhận số ca mắc mới rất cao với Omicron là biến thể gây bệnh chủ đạo. Tuần trước, nước này báo cáo trên 20.000 ca mắc mới mỗi ngày, tăng gần gấp đôi so với kỷ lục trước đây trong các làn sóng dịch bệnh trước.

Tại Thụy Sĩ, Bộ trưởng Y tế Alain Berset đã báo hiệu rằng việc sử dụng hệ thống chứng chỉ COVID-19 gây tranh cãi của nước mình có thể sẽ sớm chấm dứt, bởi cách đáp ứng của cộng đồng đối với đại dịch dường như đã “đi đúng hướng”. Chứng chỉ COVID-19 đã được sử dụng ở Thụy Sĩ từ tháng 7/2021. Tuy nhiên, ông Berset đã đề xuất vào hôm 22/1 vừa qua rằng có thể đã đến lúc phải loại bỏ hệ thống này.

Tại Israel, Bộ trưởng Tài chính nước này đã kêu gọi bãi bỏ quy định áp dụng thẻ xanh COVID-19. Cụ thể, ngày 18/1 vừa qua, ông Avigdor Liberman đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt việc sử dụng rộng rãi Thẻ Xanh (Green Pass) như một chứng nhận tiêm vắc-xin ngừa COVID-19 để được ra vào các địa điểm cố định.

Trên tài khoản mạng xã hội Twitter, ông Liberman khẳng định bản thân đang làm việc với “tất cả cơ quan chức năng” nhằm bãi bỏ quy định về Thẻ Xanh và “duy trì nhịp sống thường nhật cho tất cả người dân”. Theo ông, rất nhiều chuyên gia cho rằng không có logic nào về y tế hay truyền nhiễm học trong việc áp dụng Thẻ Xanh. Vậy nên, điều này trực tiếp tác động tiêu cực tới nền kinh tế, sinh hoạt thường nhật và không đóng góp đáng kể gì trong xoa dịu sự lo lắng của công chúng.

Ngày 19/1 vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã ra khuyến cáo, trong đó kêu gọi các quốc gia gỡ bỏ những quy định về hạn chế đi lại phòng dịch COVID-19. Theo WHO, những biện pháp này không mang lại thêm giá trị nào, mà chỉ khiến gia tăng tình trạng căng thẳng về mặt kinh tế – xã hội. Bên cạnh đó, WHO khuyến cáo rằng hoạt động giao thông quốc tế không yêu cầu bằng chứng tiêm chủng COVID-19 đối với du khách quốc tế như là điều kiện duy nhất để được phép di chuyển giữa các quốc gia do vấn đề tiếp cận toàn cầu bị hạn chế và phân phối vắc-xin COVID-19 không đồng đều.

Chủng Omicron có thể biến COVID-19 thành bệnh đặc hữu?

Câu hỏi mà giới nhà khoa học và toàn xã hội sẽ phải đối mặt trong suốt năm 2022 là khi nào giai đoạn COVID-19 hiện tại sẽ chấm dứt và trở thành bệnh đặc hữu – khi mà virus vẫn tiếp tục lưu hành nhưng mức độ phổ biến và tác động của nó sẽ giảm xuống mức có thể kiểm soát được?

Các chuyên gia không mong đợi COVID-19 sẽ biến mất hoàn toàn. Thay vào đó, cuối cùng nó sẽ đi đến một giai đoạn tương tự như một số bệnh khác, với “hầu hết mọi người sẽ bị nhiễm bệnh khi còn nhỏ, có thể tái nhiễm nhiều lần và hình thành khả năng miễn dịch”, Mark Woolhouse, giáo sư về bệnh truyền nhiễm dịch tễ học tại Đại học Edinburgh cho biết. Ông nói thêm rằng đó là tình huống mà các nhà khoa học mong đợi. Chúng ta sẽ ít nhiễm bệnh hơn nếu có miễn dịch hoặc đã tiêm vắc-xin.

Đó là lý do tại sao mức độ nghiêm trọng giảm bớt của Omicron là điều rất quan trọng. Nó giúp bổ sung thêm một lớp miễn dịch, nhưng không đi kèm với nguy cơ nhập viện như làn sóng COVID-19 đã diễn ra trong phần lớn năm 2021. Theo một nghiên cứu của Scotland, Omicron giảm 2/3 nguy cơ nhập viện so với Delta. Trong khi đó, Nam Phi đưa ra con số là 80%.

Theo giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge, biến chủng Omicron khiến COVID-19 chuyển sang một giai đoạn mới và có thể kết thúc ở “lục địa già”.

“Đại dịch trong khu vực có khả năng đang trên đà chấm dứt”, Kluge phát biểu trong một cuộc phỏng vấn ngày 23/1, đồng thời nói thêm rằng Omicron có thể lây nhiễm cho 60% người dân châu Âu vào tháng 3/2022.

Một khi đà gia tăng số ca nhiễm Omicron trên khắp châu Âu giảm xuống, “sẽ có vài tuần hoặc vài tháng miễn dịch cộng đồng được duy trì, nhờ vắc-xin hoặc vì mọi người đã có khả năng miễn dịch do nhiễm virus”, ông cho hay. “Vì vậy, chúng tôi dự đoán sẽ có một khoảng thời gian bình lặng trước khi COVID-19 quay trở lại vào cuối năm, nhưng không nhất thiết là đại dịch sẽ quay trở lại”.

Các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng những người nhiễm biến chủng Omicron xuất hiện các triệu chứng không nghiêm trọng bằng chủng Delta, ít nhất là ở những người đã tiêm chủng. Điều này làm dấy lên hy vọng COVID-19 đang bắt đầu chuyển từ đại dịch thành một bệnh đặc hữu dễ ứng phó hơn, giống như cúm mùa.

Phan Anh (tổng hợp)

Xem thêm: