Các quan chức Mỹ đầu tuần này nói rằng nhóm tàu tác chiến của Hải quân nước này chở theo phi cơ tàng hình F-35C đã lần đầu đi vào Biển Đông, thực hiện “các hoạt động tự do hàng hải” ở vùng biển mà Trung Quốc đang gia tăng kiểm soát.

Embed from Getty Images

Hải quân Mỹ phát đi thông cáo báo chí cho biết hàng không mẫu hạm lớp Nimitz, USS Carl Vinson đã rời cảng San Diego vào tháng trước và sẽ thực hiện các hoạt động diễn tập quân sự trên Biển Đông như diễn tập bay với các phi cơ cánh cứng và cánh chuồn; thao diễn tác chiến hàng hải; cũng như huấn luyện chiến thuật điều phối giữa các đơn vị trên tàu sân bay và trên không.

Các quan chức Hải quân Mỹ nói rằng hoạt động dàn quân ở Biển Đông là một phần của sự hiện diện thường xuyên của Hải quân Mỹ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Họ cũng nhấn mạnh rằng việc đưa nhóm tàu tác chiến tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 “là để ủng hộ khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

Thiếu tướng Hải quân Dan Martin, chỉ huy của nhóm tàu tác chiến Carl Vinson phát đi tuyên bố cho hay: “Quyền của tất cả các nước được tự do đi lại trên vùng biển quốc tế là quan trọng và đặc biệt trọng yếu tại Biển Đông, nơi hàng năm 1/3 khối lượng hàng hóa toàn cầu lưu thông qua. Tất cả chúng ta đều có lợi ích khi cộng đồng quốc tế đóng vai trò tích cực trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”.

Hoàn cầu Thời báo, cơ quan của nhà nước Trung Quốc cộng sản, đã đăng bài bình luận lên án việc nhóm tàu tác chiến Carl Vinson của Mỹ vào Biển Đông là “hành động dàn quân mang tính khiêu khích”. Tờ báo này tiết lộ rằng Bộ chỉ huy Mặt trận miền Nam của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đang được đặt trong tình huống cảnh giác cao độ.

Phát ngôn viên của Bộ chỉ huy Mặt trận miền Nam, Thượng tá Không quân Tian Junli đã cáo buộc Hải quân Mỹ vi phạm chủ quyền và an ninh của Trung Quốc.

Đáp trả, Hạm đội 7 của Hải quân Mỹ phát đi tuyên bố khẳng định: “Mỹ sẽ tiếp tục bay, đi thuyền và hoạt động tại bất cứ đâu mà luật pháp quốc tế cho phép. Không điều gì mà [Trung Quốc] nói có thể ngăn chặn được chúng tôi”.

Trung Quốc trong những năm qua đã gia tăng kiểm soát Biển Đông, ép các quốc gia khác trong khu vực không được tiếp cận vùng biển có tuyến hàng hải quan trọng và giàu tài nguyên này.

Tháng Bảy năm ngoái, hơn 12 ngư dân trên một tàu cá Việt Nam đã bị ép phải nhảy xuống biển sau khi tàu này va chạm với một tàu Trung Quốc. Vào tháng Một năm nay, một ngư dân Philippines đã nói rằng ông bị Hải cảnh Trung Quốc chặn không cho bơi thuyền vào khu vực gần một hòn đảo do Manila quản lý.

Hồi tháng Ba vừa qua, hơn 200 tàu Trung Quốc đã neo đậu tại Bãi đá Whitsun, một trong những khu vực đang xảy ra tranh chấp trên Biển Đông.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân Trung Quốc thông qua cũng đã thông qua Luật An toàn Giao thông Hàng hải mới sửa đổi vào tháng Tư và luật này có hiệu lực từ 1/9.

Theo luật hàng hải mới này, các tàu nước ngoài di chuyển vào vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố là “lãnh hải của họ” sẽ phải khai báo thông tin chi tiết gồm tên tàu, tín hiệu liên lạc, cảng neo đậu gần nhất và cảng đến sắp tới, cũng như vị trí hiện tại của tàu cho Cục An toàn Hàng hải Trung Quốc.

Yêu cầu nêu trên sẽ áp dụng với 4 loại tàu nước ngoài, gồm: tàu lặn, tàu hạt nhân, tàu chở nguyên liệu phóng xạ, và tàu chở dầu mỏ, hóa chất, khí hóa lỏng và các chất độc hoặc gây hại khác. Những tàu nước ngoài khác mà “có thể gây nguy hiểm cho an toàn giao thông hàng hải của Trung Quốc” cũng sẽ phải tuân thủ yêu cầu khai báo tương tự.

Mỹ và Úc đã chính thức lên tiếng phản đối luật hàng hải mới của Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã yêu cầu Trung Quốc tôn trọng luật biển quốc tế. Trong khi, các quốc gia khác tại Đông Nam Á và Đài Loan vẫn chưa chính thức lên tiếng về vấn đề này.

Như Ngọc (T/h)

Xem thêm: