russia-in-me

Mỹ đã thất bại trong hai cuộc chiến tranh bất đối xứng trong thời hiện đại: một là cuộc chiến Việt Nam và hai là cuộc chiến chống các nhóm khủng bố ở Trung Đông. Khi thất bại của mình trở nên rõ ràng ở Việt Nam, Mỹ đã “xoay trục” khỏi khu vực, để bên chiến thắng dọn dẹp mớ hỗn độn – và, cuối cùng, tham gia vào cấu trúc an ninh và hợp tác ASEAN. Bất chấp những nỗ lực tối đa của Mỹ, việc rời bỏ Trung Đông lại khó khăn hơn nhiều, và khu vực này vẫn bị tàn phá bởi xung đột và chao đảo bởi các liên minh dễ thay đổi.

Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, bất ổn trong khu vực này mang đến một cơ hội quan trọng. Bằng cách đạt được một chỗ đứng vững chắc ở Trung Đông, ông hy vọng làm sống lại hình ảnh đã phai mờ từ lâu của nước Nga như một siêu cường thế giới, khôi phục vị thế là đối thủ địa chính trị chính của Mỹ, và giành các lợi thế mặc cả nhằm thúc đẩy các mối quan tâm trước mắt của mình ở vùng cận hải ngoại của Nga. Theo tính toán của Putin, thành công ở những khu vực này sẽ củng cố quyền lực của ông và sự ủng hộ của dân chúng ở trong nước.

Trên những mặt trận này, Putin đã đạt được một số tiến triển, gắn chặt nước Nga vào đời sống chính trị Trung Đông. Nhưng vị thế của Nga ở khu vực vẫn mong manh. Hiện nay nó không đủ khả năng giúp thiết lập – chưa nói đến giám sát – một trật tự khu vực mới, vì một lẽ đơn giản: Kremlin thiếu các đồng minh thực sự ở đó.

Chắc chắn, Nga có ảnh hưởng đáng kể ở Syria (một di sản của Chiến tranh Lạnh), và những lợi ích chung giữa hai nước đã giúp Putin liên kết với một số cường quốc khu vực. Nhưng ngày nay không quốc gia Trung Đông nào là đối tác ràng buộc của Kremlin kiểu như Ai Cập trong Chiến tranh Lạnh.

Chẳng hạn, sự hợp tác gần đây của Nga với Iran không có dấu hiệu của một tình bạn đang nảy nở như một số chuyên gia vẫn tin. Mặc dù cả hai chính phủ đều ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, và Iran cho phép Nga sử dụng căn cứ không quân của mình trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo (ISIS), Iran vẫn kiên quyết muốn giữ vai trò là người bảo trợ chính cho Assad. Hơn nữa, Iran sẽ không muốn gây nguy hiểm cho những nỗ lực xây dựng lại mối quan hệ kinh tế với phương Tây – một mục tiêu làm nền móng cho hiệp ước quốc tế về chương trình hạt nhân của Iran được ký kết năm 2015. Về phần Nga, hợp tác với Iran (do người Hồi giáo dòng Shia chi phối) trong một chính sách Trung Đông rộng hơn sẽ phá vỡ vị thế của Nga trong mắt các cường quốc Hồi giáo Sunni của khu vực.

Trong khi đó, các nước như Thổ Nhĩ Kỳ và Ai Cập chủ yếu đang hợp tác với Nga như một kiểu phản kháng trong bối cảnh căng thẳng với các đồng minh thân cận hơn tại phương Tây. Ví dụ, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới gần đây vẫn bất hòa với Nga xoay quanh việc Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ một chiến đấu cơ của nước này gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ với Syria hồi tháng 11 năm ngoái. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã hòa giải với Nga, và giảm vai trò của mình trong cuộc chiến chống Assad, đối tác chính của Nga trong khu vực.

Điều này không phản ánh nhận thức của Thổ Nhĩ Kỳ rằng Nga là một tác nhân thiết yếu đáng giữ bên mình. Đúng hơn là Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan muốn Nga giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại người Kurd ở Syria, những người vốn có những tham vọng dân tộc chủ nghĩa mà Erdoğan nóng lòng ngăn chặn vì sợ rằng họ sẽ kích động chủ nghĩa ly khai trong người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Erdoğan cảm thấy nản lòng với các đồng minh phương Tây của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn không đoái hoài gì đến vấn đề người Kurd của quốc gia này. Ngược lại, người Kurd ở Syria là đối tác hiệu quả nhất của Mỹ trong cuộc chiến chống ISIS, tổ chức mà cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều đang chiến đấu. Việc vũ trang cho các lực lượng dân quân người Kurd, như Tổng thống Mỹ Barack Obama đang cân nhắc, đẩy Erdoğan vào gần vòng tay của Putin hơn. Với mong muốn chia rẽ NATO, Putin sẽ nồng nhiệt chào đón một kết quả như vậy.