Ngoài ra còn có những động lực kinh tế trong quan hệ Nga-Thổ Nhĩ Kỳ, bao gồm khoảng 30 tỷ USD thương mại hàng năm. Nga, vốn bị đè nặng bởi giá hàng hóa cơ bản thấp và các lệnh trừng phạt dai dẳng của phương Tây, cũng rất mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ.

Tuy nhiên, tiềm năng của mối quan hệ Nga-Thổ là có giới hạn. Trước hết, dù có bất kỳ căng thẳng nào tồn tại giữa mình với phương Tây, Erdoğan cũng không dại gì mạo hiểm đánh mất sự bảo đảm an ninh từ phía NATO. Do vậy, bất kỳ sự cấu kết nào với Putin tại Syria cũng rất có thể đều hời hợt và ngắn ngủi.

Về phần mình, Nga cũng không muốn củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ như một cường quốc khu vực. Xét cho cùng, lâu nay Nga vẫn luôn cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ trong việc giành ảnh hưởng ở Biển Đen và Trung Đông. Phản ứng của Nga trước việc Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần hơn với cựu đồng minh Israel – hai nước vốn có bất hòa từ năm 2010 khi lính biệt kích Israel tấn công một con tàu của Thổ Nhĩ Kỳ trong đội tàu chuyển viện trợ đến Gaza – phản ánh sự cạnh tranh này.

Ban đầu, phản ứng của Nga khá thờ ơ, chủ yếu vì Israel là một cường quốc năng lượng đang lên tại Trung Đông, nên việc hòa giải (giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ) sẽ làm hỏng kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng sang Thổ Nhĩ Kỳ của Nga. Nhưng sau đó Putin lại ủng hộ bước đi hòa giải, không phải vì ông thích ý tưởng rằng Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cũng có quan hệ gần gũi với Hamas, sẽ đạt được tiếng nói quan trọng hơn trong các vấn đề của Gaza, mà bởi vì ông muốn thể hiện Nga là một tác nhân chủ chốt trong khu vực.

Thật vậy, sau đó Putin tuyên bố rằng ông sẵn lòng chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine. Chắc chắn ông cũng biết, Nga thiếu ảnh hưởng, về kinh tế và các mặt khác, vốn cần thiết cho một thỏa thuận hoà bình giữa hai phe thù địch ở Gaza. Dường như Putin đã quyết định rằng đề xuất này sẽ củng cố cách nhìn về Nga như một tác nhân khu vực cạnh tranh với Thổ Nhĩ Kỳ hoặc thậm chí là Mỹ.

Tuy nhiên, sự thật là Mỹ vẫn tiếp tục là nhân tố không thể thiếu được trong bất kỳ giải pháp nào cho xung đột giữa Israel và Palestine. Nói rộng hơn, mong mỏi tự do và dân chủ kiểu phương Tây vẫn là ước mơ của các thế hệ trẻ ở Trung Đông; nó chỉ đơn thuần là bị lu mờ trước phản ứng theo hướng độc tài đối với các cuộc nổi dậy Mùa xuân Ả rập, và trước sự nở rộ sau đó của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Mỹ hiện đang tập trung vào một châu Á đang lên. Thay vì sử dụng vũ khí chiến tranh, Mỹ đang dùng các công cụ của toàn cầu hóa – đặc biệt là các liên kết thương mại và đầu tư – để giúp định hình sự phát triển của khu vực này. Khi Trung Đông sẵn sàng, chắc chắn Mỹ sẽ làm điều tương tự ở đó. Và khi điều đó diễn ra, bất kỳ chỗ đứng quân sự bị cô lập và liên minh tạm bợ nào mà Nga duy trì cũng sẽ nhanh chóng biến mất. Giống như Liên Xô ở Trung và Đông Âu, nước Nga ngày nay không có chỗ trong một khu vực đang trải qua cải cách kinh tế xã hội và chuyển tiếp sang dân chủ.

Tác giả: Shlomo Ben-Ami, cựu ngoại trưởng Israel, là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Toledo về Hòa bình. Ông là tác giả cuốn Scars of War, Wound of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.

Nguồn: Project Syndicate 2016 – Russia’s Ephemeral Middle East Alliances