Công ty mẹ của Facebook – Meta, thông báo vào thứ Ba (27/9), rằng họ đã đóng cửa 2 mạng lưới tài khoản giả mạo hoạt động ở Trung Quốc Đại Lục và Nga. Các mạng lưới của Trung Quốc nhắm mục tiêu cụ thể đến người Mỹ, phát tán chủ đề gây chia rẽ, nhằm can thiệp vào công việc nội bộ của Hoa Kỳ.

shutterstock 512254432
Bầu cử ở tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, năm 2016 (Ảnh minh họa: Rob Crandall / Shutterstock)

Trung Quốc đã chuyển hướng, can thiệp trực tiếp vào cuộc bầu cử giữa kỳ của Mỹ.

Theo báo cáo của Meta, trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ vào tháng 11/2022, mạng lưới tài khoản giả mạo của Trung Quốc tập trung vào việc đưa ra quan điểm gây chia rẽ chống lại người dùng Mỹ.

Trong bản báo cáo, Meta cho biết mặc dù mạng lưới rất nhỏ và không thu hút nhiều người theo dõi, nhưng phát hiện này có ý nghĩa quan trọng. Vì nó đánh dấu sự thay đổi trong hướng tuyên truyền đối ngoại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), nhằm can thiệp trực tiếp hơn vào nội bộ chính trị của Hoa Kỳ.

Tại một cuộc họp báo, ông Ben Nimmo, người đứng đầu bộ phận tình báo về mối đe dọa toàn cầu của Meta, cho biết tuyên truyền trước đây của ĐCSTQ là tung ra những lời dối trá trên khắp thế giới (chủ yếu là ở Nam Á), không nhắm trực tiếp vào người Mỹ. Đây là lần đầu tiên họ phát hiện các tài khoản của ĐCSTQ nhắm mục tiêu đến người Mỹ theo cách này.

Ông Nimmo nói rằng trước đây, nội dung tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ về cơ bản là “Nước Mỹ xấu, Trung Quốc tốt”, nhưng hoạt động Internet mới lại tập trung vào các chủ đề gây chia rẽ ở Hoa Kỳ. “Họ chạy các tài khoản giả mạo, giả làm người Mỹ, và cố gắng bắt chước cách nói của người Mỹ. Họ đang nói về các vấn đề gây chia rẽ trong nước, như phá thai và kiểm soát súng,” ông nói.

Kể từ tháng 11/2021, các tài khoản giả mạo của Trung Quốc đã có mặt tại các bang khác nhau, đóng giả những người Mỹ phe tự do và phe bảo thủ, phát biểu quan điểm, hoặc ẩn nấp trong bình luận về các bài đăng của quần chúng, báo cáo cho biết.

Một ví dụ mẫu là ảnh chụp màn cho thấy một tài khoản bình luận về bài đăng trên Facebook của Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Marco Rubio, yêu cầu ông ngừng bạo lực súng đạn, sử dụng thẻ (tag) bắt đầu bằng #RubioChildrenKiller.

Tin tặc ĐCSTQ hoạt động theo giờ làm việc của Bắc Kinh

Báo cáo cho thấy, mạng lưới của ĐCSTQ chỉ có khoảng 80 tài khoản Facebook, hầu như không có người theo dõi. Những tài khoản này chủ yếu nhắm đến độc giả ở Hoa Kỳ và Cộng hòa Séc, nhưng nội dung bình luận của các tài khoản này đều nằm trong khung giờ làm việc ở Bắc Kinh.

Báo cáo của Meta cho biết: “Các tài khoản này phần lớn là mô hình theo ca, làm việc từ 9:00 sáng – 5:00 chiều, trong giờ làm việc của Trung Quốc – từ thứ Hai đến thứ Sáu, sớm hơn 12 giờ so với Florida và sớm hơn 6 giờ so với thủ đô Prague (của cộng hòa Séc).”

Theo Meta, một số tài khoản mạo danh những người Mỹ phe bảo thủ, trong khi những tài khoản khác mạo danh những người theo chủ nghĩa tự do sống ở Florida, Texas và California.

Theo báo cáo, mạng lưới này cũng thiết lập các tài khoản giả mạo, mạo danh người Séc, chỉ trích thái độ của chính phủ Séc đối với ĐCSTQ, và đe dọa chính phủ Séc không được hành động chống lại ĐCSTQ.

Một phát ngôn viên của Meta cho biết, công ty đã chia sẻ chi tiết về tài khoản Trung Quốc với FBI.

Hoạt động mạng quy mô lớn của Nga bị phá sản

Ngược lại, hoạt động không gian mạng giả của Nga mà Meta bắt quả tang lại có quy mô lớn hơn. Meta coi đây là hoạt động không gian mạng lớn nhất và phức tạp nhất của Nga, kể từ sau chiến tranh Nga – Ukraine.

Đó là một mạng lưới rộng lớn, gồm hơn 60 trang web giả mạo là các tổ chức tin tức, cũng như nhiều tài khoản trên Facebook, Instagram, YouTube, Telegram, Twitter và các trang web khác. Phía Nga cũng chi hơn 100.000 USD cho quảng cáo trên Facebook và Instagram.

Các hành động của Nga gồm bắt chước trang web của các hãng thông tấn phương Tây có thật, như The Guardian. Theo danh sách các địa chỉ trang web trong báo cáo Meta, phía Nga cũng đăng ký các trang web giả mạo, được thiết kế giống như Daily Mail, và của truyền thông Đức như Bild và Der Spiegel.

Trong những tuyên truyền sai trái, phía Nga cố gắng biện minh cho “tính chính đáng” về “hoạt động đặc biệt” (cuộc xâm lược) của mình chống lại Ukraine, và lan truyền thông tin sai lệch về vụ thảm sát ở thị trấn Bucha.

“Trang web (của Nga) bắt chước tờ The Guardian, đăng bài cáo buộc Ukraine âm mưu sát hại dân thường trong thời gian Nga chiếm đóng Bucha”, Meta đề cập.

Báo cáo của Meta lưu ý: “Dù nhại lại không hoàn hảo, nhưng họ thực sự đầu tư vào các trang web, và ít nhất là chịu được những thẩm duyệt chung.”