Hôm hôm thứ Năm (20/5), ông Biden đã cam kết viện trợ nhân đạo và tái thiết Dải Gaza khi ông ca ngợi thỏa thuận chấm dứt 11 ngày giao tranh giữa Israel và Hamas, theo Reuters.

Embed from Getty Images

Xuất hiện chớp nhoáng tại Nhà Trắng sau tin tức về thỏa thuận ngừng bắn, ông Biden cũng hứa sẽ cung cấp thêm hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt cho Israel, bất chấp việc một số thành viên cấp tiến đảng Dân chủ đang chỉ trích việc Mỹ bán vũ khí cho Jerusalem và đề nghị dừng việc này lại. 

Ông Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ làm việc thông qua Liên Hợp Quốc và các bên liên quan quốc tế khác “để cung cấp hỗ trợ nhân đạo nhanh chóng và hỗ trợ quốc tế cho người dân ở Gaza và trong các nỗ lực tái thiết Gaza”.

Ông khẳng định viện trợ tái thiết sẽ được cung cấp với sự hợp tác của Chính quyền Palestine chứ không phải với Hamas, nhóm được Hoa Kỳ coi là một tổ chức khủng bố.

Chính quyền Palestine, do Tổng thống Mahmoud Abbas điều hành, chỉ quản lý một số phần của khu Bờ Tây bị chiếm đóng, trong khi Hamas nắm quyền điều hành ở Dải Gaza.

“Chúng tôi sẽ thực hiện việc này với sự hợp tác đầy đủ với Chính quyền Palestine – không phải Hamas – theo cách không cho phép Hamas tái trang bị kho vũ khí quân sự của mình”, ông Biden nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tới khu vực trong những ngày tới để gặp những người đồng cấp Israel, Palestine và trong khu vực để thảo luận về các nỗ lực phục hồi và “làm việc cùng nhau để xây dựng tương lai tốt đẹp hơn cho người Israel và Palestine”.

Thỏa thuận ngừng bắn diễn ra sau 11 ngày xung đột đẫm máu. Đây cũng được cho là một ‘bài kiểm tra’ khả năng của ông Biden và các trợ lý an ninh quốc gia hàng đầu của ông trong việc giúp giải quyết cuộc xung đột có nguy cơ trở thành một cuộc chiến kéo dài.

Theo Reuters, ông Biden đã nói chuyện sáu lần với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, và một lần với Tổng thống Ai Cập Abel Fattah al-Sisi. Cả ông Netanyahu và Sisi đều thân thiết hơn với cựu Tổng thống Donald Trump. 

Nhiều tuần kể từ khi nhậm chức, ông Biden mới gọi cho ông Netanyahu, một động thái được Israel cho là “sự khinh thường”. 

Trong khi đó, cuộc điện thoại của ông Biden với ông Sisi hôm thứ Năm là cuộc gọi đầu tiên kể từ khi ông Biden nhậm chức vào tháng Giêng. Ai Cập, quốc gia có hiệp ước hòa bình và quan hệ ngoại giao với Israel và cũng duy trì liên lạc với Hamas, theo truyền thống đóng vai trò quan trọng trong việc dập tắt giao tranh ở Gaza.

Cho đến nay, việc liên lạc trực tiếp nguội lạnh giữa hai nhà lãnh đạo được nhiều người coi là một hành động khinh thường đối với ông Sisi, nhất là khi chính quyền mới đã bày tỏ lo ngại về hồ sơ nhân quyền của Ai Cập.

Một nguồn tin ngoại giao nói với Reuters hôm thứ Năm rằng Israel đã báo hiệu cho các quan chức Biden về việc sẵn sàng ngừng bắn. Hoa Kỳ đã thông báo việc này cho Ai Cập, sau đó Ai Cập nói lại với Hamas.

Nhóm chiến binh Hồi giáo sau đó thông báo cho Ai Cập rằng họ cũng sẵn sàng ngừng bắn và Ai Cập thông báo cho Hoa Kỳ. 

Tuy vậy, nguồn tin cho biết liệu thỏa thuận ngừng bắn có đạt được trọn vẹn hay không là một mối quan tâm lớn, và Hoa Kỳ không đưa ra bất kỳ đảm bảo nào vì lo ngại về các cuộc tấn công tên lửa ngẫu nhiên cũng như những căng thẳng khác giữa người Israel và người Palestine.

Các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas diễn ra sau khi cảnh sát an ninh Israel đụng độ với những người thờ phượng tại Nhà thờ Hồi giáo al-Aqsa ở Jerusalem và việc Israel trục xuất người Palestine ra khỏi một khu vực ở Đông Jerusalem do Israel sáp nhập.

Nguồn tin ngoại giao Mỹ cho biết, nếu các vụ trục xuất tiếp tục diễn ra, nó có thể trở thành một điểm nóng mới, vì vậy các quan chức Mỹ đang thảo luận vấn đề này với người Israel.

Việc ông Biden công khai ủng hộ quyền tự vệ của Israel trước các cuộc tấn công bằng tên lửa của Hamas đã khiến một số thành viên đảng Dân chủ chỉ trích rằng ông cần một cách tiếp cận cân bằng hơn thay vì bênh vực Israel.

Ông Biden sau đó đã bảo vệ cách tiếp cận của mình để xử lý cuộc khủng hoảng, nhưng cũng đồng tình với những người chỉ trích ông rằng “người Palestine xứng đáng được sống trong hòa bình và an ninh giống như người Israel.”

Ông nói: “Chính quyền của tôi sẽ tiếp tục chính sách ngoại giao lặng lẽ, không ngừng nghỉ hướng tới mục tiêu đó. Tôi tin rằng chúng ta có cơ hội thực sự để đạt được những bước tiến và tôi cam kết làm việc vì điều đó”.

Lê Xuân (theo Reuters)

Xem thêm: