Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken đã bắt đầu chuyến công du thứ 2 tới Châu Phi vào cuối tuần trước. Ngày 8/8, tại Nam Phi, ông đã công bố chiến lược mới của Hoa Kỳ đối với Châu Phi. Các chuyên gia phân tích rằng chuyến đi này nhằm chống lại ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và Nga ở Châu Phi.

Blinken
Ngoại trưởng Mỹ Blinken và Ngoại trưởng Nam Phi Naledi Pandor. (Nguồn: Freddie Everett/ Bộ Ngoại giao Mỹ)

Theo AFP, ngày 7/8, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã đặt chân tới Nam Phi, bắt đầu chuyến công du 3 quốc gia Châu Phi.

Hôm thứ Hai (8/8), ông Blinken đã có bài phát biểu tại trường đại học ở Pretoria – thủ đô hành chính của Nam Phi, gặp Bộ trưởng Ngoại giao Nam Phi Naledi Pandor và tiến hành đối thoại chiến lược song phương giữa Hoa Kỳ và Nam Phi; đồng thời ra mắt “Chiến lược của Hoa Kỳ đối với khu vực Châu Phi cận Sahara”. Các chủ đề thảo luận còn bao gồm biến đổi khí hậu, thương mại, sức khỏe và mất an ninh lương thực.

Cùng ngày, Nhà Trắng cũng công bố một tài liệu, cho biết Châu Phi có dân số tăng nhanh nhất thế giới, và là khu vực thương mại tự do lớn nhất theo khu vực địa lý, cũng như có hệ sinh thái đa dạng nhất. Châu lục này có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức quyết định của thế giới.

Nhà Trắng cho biết, Mỹ quyết tâm “tránh xa các chính sách vô tình coi Châu Phi cận Sahara là sân chơi mới nhất trong cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Chúng tôi nhận ra rằng chúng ta có chung những lợi ích quan trọng. Con đường tiến bộ của chúng ta phụ thuộc vào việc hợp tác cùng nhau và cam kết nâng cao vai trò lãnh đạo của Châu Phi, để thúc đẩy chương trình nghị sự chung của chúng ta.”

Tài liệu chiến lược mới của Mỹ nhấn mạnh, Washington, cùng với các đồng minh và đối tác ở châu Âu, Trung Đông và Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương coi Châu Phi là một phần không thể thiếu đối với an ninh quốc gia. Mỹ sẽ tận dụng các thể chế phòng thủ dân sự và mở rộng hợp tác quốc phòng với các đối tác chiến lược có chung giá trị và ý chí để thúc đẩy hòa bình và ổn định toàn cầu.

Châu Phi cận Sahara (Tiểu Vùng Sahara Châu Phi) vẫn luôn có mức độ ưu tiên thấp đối với quan hệ đối ngoại của Hoa Kỳ, chỉ chiếm 1,2% tổng thương mại hai chiều của nước này.

Nhưng từ khi ban hành “Đạo luật Cơ hội và Tăng trưởng của Châu Phi” vào năm 2000, dòng tài chính đã tăng lên kể. Đạo luật này loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hơn 7.000 sản phẩm từ các nước Châu Phi, nhằm giảm bớt các rào cản đối với đầu tư của Hoa Kỳ, vận hành nền kinh tế dựa trên thị trường, và bảo vệ quyền của người lao động.

Ông Bob Wekesa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Châu Phi tại Đại học Witwatersrand ở Nam Phi, nói rằng ảnh hưởng của ĐCSTQ ở Châu Phi đã tăng lên đáng kể, nhiều nhà lãnh đạo Châu Phi muốn được đầu tư cơ sở hạ tầng mà không bị ràng buộc.

Nga cũng có các khoản đầu tư vào Châu Phi, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cũng đã đến thăm 4 nước Châu Phi vào tháng Bảy. Khi phương Tây cố gắng trừng phạt Moscow vì hành động xâm lược Ukraine, một số quốc gia Châu Phi, bao gồm Nam Phi, đã từ chối lên án hành động này.

Ông Wekesa nói: “Đúng là có một hình thức nào đó của Chiến tranh Lạnh. Dẫu không phải là hình thức mà chúng ta đã thấy sau Thế chiến II, nhưng đó là sự cạnh tranh địa chính trị, và Mỹ phải chuẩn bị sẵn sàng khi thấy đối thủ cạnh tranh là các quốc gia có sức ảnh hưởng khác xuất hiện ở Châu Phi.”

Các ưu tiên chính sách chính của Hoa Kỳ ở Châu Phi gồm xây dựng nền dân chủ, cải thiện quản trị, thúc đẩy phát triển, hòa bình, bảo đảm thương mại và đầu tư, cũng như hỗ trợ bảo tồn và phát triển năng lượng sạch.

Vào tháng 11 năm ngoái, ông Blinken cho biết, Hoa Kỳ không muốn hạn chế quan hệ đối tác của Châu Phi với các nước khác, nhưng quan điểm đó dường như đã thay đổi khi quan hệ của Washington với Trung Quốc và Nga ngày càng xấu đi.

Tài liệu chiến lược mới nêu rõ rằng ĐCSTQ coi Châu Phi là một “đấu trường quan trọng, nhằm thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, thúc đẩy các lợi ích thương mại và địa chính trị hạn hẹp của chính mình, phá hoại tính minh bạch và cởi mở, đồng thời làm suy yếu mối quan hệ của Hoa Kỳ với người dân và chính phủ Châu Phi.”

Ngày 7/8, ông Blinken đã đến thăm thị trấn Soweto, quê hương của tổng thống dân chủ đầu tiên của Nam Phi, ông Nelson Mandela, và tham gia lễ kỷ niệm Ngày Phụ nữ Nam Phi.

Tiếp đó, ông dự kiến sẽ đến ​​thăm Cộng hòa Dân chủ Congo và Rwanda.

Bình Minh (t/h)