Tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên tiếng phản đối các biện pháp trừng phạt do Liên minh châu Âu nhằm vào việc mua dầu của Nga, cho rằng việc áp dụng chính sách như vậy chính là đòn “tự sát về kinh tế” đối với các nước Tây Âu.

Embed from Getty Images

Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 17/5, ông Putin đã đáp lại đề xuất của EU trong việc cấm vận dầu mỏ Nga, vốn đang bị đình trệ trong tuần qua do một nhóm nhỏ các thành viên EU không ủng hộ biện pháp này.

Theo ông Putin, thông qua việc loại bỏ dần nguồn cung cấp năng lượng của Nga, châu Âu sẽ chỉ tự làm hại mình, đồng thời kêu gọi các quan chức nhà nước tận dụng điều đó để làm lợi cho đất nước.

“Một đòn tự sát kinh tế như vậy đương nhiên là chuyện nội bộ của các nước châu Âu. Chúng ta phải hành động một cách thực dụng, tiến hành chủ yếu từ lợi ích kinh tế của chúng ta,” ông Putin nhấn mạnh.

Theo hãng tin AFP, ông Putin đang hy vọng chuyển hướng nguồn cung đến các quốc gia thân thiện khi châu Âu tìm cách cắt giảm nguồn cung từ Nga. Ông nói thêm rằng “các hành động hỗn loạn” của châu Âu không chỉ gây tổn hại cho nền kinh tế của chính họ mà còn giúp Nga tăng nguồn thu từ dầu khí.

Kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào cuối tháng 2, EU đã leo thang các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Liên bang Nga trong nỗ lực nhằm cắt nguồn cung tài chính cho nền kinh tế Nga và làm suy yếu khả năng tiếp tục gây chiến của nước này.

Tuy nhiên, cơ quan châu Âu gặp phải sự bất đồng cơ bản giữa các thành viên, liên quan đến mức độ phụ thuộc khác nhau của họ vào nhiên liệu Nga.

Một lệnh cấm vận về nhiên liệu sẽ ít ảnh hưởng hơn đối với Pháp, quốc gia đã phát triển rất nhiều cơ sở hạ tầng điện hạt nhân trong thập kỷ qua, từ đó có thể đảm bảo độc lập ở mức độ cao và ít phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch của Nga.

Tuy nhiên, các quốc gia Trung Âu nhỏ hơn như Hungary và Slovakia lại không ủng hộ việc thông qua lệnh cấm vận dầu mỏ, vì cả hai đều phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu nhiên liệu của Nga. Cả hai nước này yêu cầu được miễn trừ khỏi lệnh cấm vận dầu mỏ của EU, đồng thời tuyên bố, lệnh cấm vận đối với xuất khẩu dầu của Nga sẽ tàn phá nền kinh tế của họ.

Đức, quốc gia cũng phụ thuộc đáng kể vào xuất khẩu nhiên liệu của Nga, đã dao động trước lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga, nhưng quốc gia do Thủ tướng Helmut Kohl lãnh đạo gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ lệnh cấm vận. Các nhà hoạch định chính sách của Đức đã nỗ lực hết sức kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine leo thang nhằm tìm ra các giải pháp thay thế cho nhiên liệu hóa thạch của Nga. Cuối tháng trước, Bộ trưởng Năng lượng Đức Robert Habeck thông báo, xuất khẩu của Nga chỉ chiếm khoảng 12% nguồn cung dầu của Đức, giảm so với khoảng 1/3 khi bắt đầu chiến tranh.

Minh Ngọc (T/h)