Tổng thống Biden chăm chú lắng nghe khi Chủ tịch Tập hùng hồn đưa ra các luận điểm của mình trong buổi gặp mặt đầu tiên của hai người với tư cách là nguyên thủ quốc gia hai cường quốc mạnh nhất thế giới. Đó là những gì mà tờ Nhân Dân Nhật Báo của ĐCSTQ miêu tả cho dân chúng ở Hoa Lục về buổi tọa đàm của hai nhân vật này tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa qua ở Bali.

Tap Can Binh va Joe Biden
Gặp mặt giữa Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali hôm 14/11. (Ảnh chụp màn hình video)

Chủ tịch Tập Cận Bình được bài báo trang nhất của tờ Nhân Dân Nhật Báo miêu tả như một người mang phong cách điềm tĩnh và ngắn gọn nhưng áp đảo và chủ động, một nhân vật mà những chính khách đồng cấp trên thế giới thật đáng tiếc đã bỏ lỡ nhiều dịp gặp mặt vì tình hình cô lập do đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) gây ra.

Giới thạo tin Trung Quốc cho biết trong bối cảnh ĐCSTQ định đoạt lại vị trí tối cao của quốc gia 1,4 tỷ dân này, những bài viết ca ngợi lãnh tụ nối đuôi nhau xuất hiện trên đài báo và truyền hình, là hoạt động bắt buộc phải có. Ông Tập tái lên ngôi vào tháng trước, và sự tái xuất của ông ở vũ đài quốc tế cũng là lúc mà truyền thông của ĐCSTQ phải có những bài như vậy. Đó là bắt buộc.

Tác phong hơi cổ điển của Tổng thống Joe Biden, cùng với phong cách tiếp cập các vấn đề điển hình của ông mỗi khi giao tiếp với các nhà lãnh đạo khác, cũng được tờ báo khai thác triệt để, khi miêu tả ông như một nhân vật làm tôn lên hình ảnh của ông Tập.

Joe Biden tai G20
Đây là ảnh lấy từ CCTV cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden chăm chú lắng nghe và ghi chép khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nói, trong buổi gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali hôm 14/11.
Joe Biden G20
Đây là ảnh lấy từ CCTV cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden chăm chú lắng nghe và ghi chép khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang nói, trong buổi gặp mặt tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali hôm 14/11.

Tại khách sạn của ông Tập, nơi diễn ra cuộc hội đàm vào ngày 14/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden tươi cười bước vào phòng họp và “chạy vài bước” để bắt kịp theo Chủ tịch Trung Quốc, tờ báo viết, “Tất cả các phóng viên đều há hốc mồm kinh ngạc.”

Tổng thống Biden, người tham gia cuộc họp với mong muốn giải quyết những bất đồng giữa hai quốc gia, đã là người đầu tiên nêu vấn đề. Sau đó ông “chăm chú lắng nghe” khi ông Tập nói, và “thường xuyên cúi xuống để ghi chép”, tờ báo viết tiếp.

Ông Tập bảo ông Biden rằng quan hệ Mỹ-Trung nên “tiếp tục theo lộ trình đúng đắn mà không mất phương hướng hay tốc độ, càng ít xảy ra va chạm”, rồi tờ báo bình luận “chỉ cần nói vài từ, hướng đi liền rõ ràng”, và ông Biden đồng ý.

Chủ tịch Trung Quốc được miêu tả là người đặc biệt cứng rắn với Đài Loan, hòn đảo tự quản lý bằng một chế độ dân chủ, nhưng được chính quyền chuyên chính Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và được Washington hậu thuẫn.

Về “chủ đề không thể tránh khỏi” này, tờ báo cho biết, “Chủ tịch Tập đã tuyên bố quan điểm của mình với giọng điệu trang trọng.”

Bài báo miêu tả rằng ông Biden đã lặp đi lặp lại những đảm bảo quen thuộc về quan điểm “một Trung Quốc” của Hoa Kỳ, nhưng ông Tập vẫn kiên quyết nhắc nhở người đồng cấp của mình bằng một thông điệp cuối cùng: “Phía Hoa Kỳ nên biến các cam kết của mình thành hành động cụ thể”.

Cuộc họp kết thúc khoảng 3 giờ sau đó, ông Biden dường như bị xì hơi sau đó “chầm chậm đi” ra khỏi phòng, theo lời kể vương vấn mùi tiểu thuyết của Nhân Dân Nhật Báo.

Manoj Kewalramani, một nhà nghiên cứu chủ trì chương trình Nghiên cứu Ấn Độ Dương Thái Bình Dương tại Viện nghiên cứu Takshashila của Ấn Độ, cho biết độc giả của Nhân Dân Nhật Báo “chủ yếu là trong nước”.

“Những bài báo như thế này là để thể hiện rằng Trung Quốc tiếp tục tham dự với tư cách bình đẳng với Mỹ và không thỏa hiệp khi đụng tới lợi ích cốt lõi,” ông nói với Newsweek. “Cũng hữu ích thôi, khi nhấn mạnh rằng ông Tập đang cầm quyền, trong tình huống Trung Quốc nhìn chung là [tìm cách] thoái lui khỏi đường lối cứng rắn và cắt quan hệ với Mỹ sau chuyến thăm Đài Loan của bà Nancy Pelosi. Hôm nay, chính Bắc Kinh là phía phải điều chỉnh sau phản ứng thái quá của họ vào tháng 8.”

Ông Kewalramani, tác giả của bản tin Tracking People’s Daily trên Substack, cho biết: “Nhấn mạnh về vị thế thượng phong của ông Tập như vậy sẽ cho phép thực hiện việc rút lui mà không có vẻ như đang nhượng bộ điều gì đó”.

Ông Henry Gao, giáo sư luật tại Đại học Quản lý Singapore, cũng cho biết bài viết trên báo đó là được viết cho độc giả trong nước.

“Thú vị ở đây là thời điểm, vì đây là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của ông Tập sau Đại hội đảng lần thứ XX,” ông Gao nói với Newsweek. “Bằng cách cho thấy Tập Cận Bình có bao nhiêu quyền lực ở cấp độ quốc tế, nó cũng củng cố thêm hình ảnh ông Tập là một nhà lãnh đạo vĩ đại không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế, đồng thời khẳng định thêm rằng việc ông được bầu vào nhiệm kỳ thứ ba tại đại hội đảng là quyết định đúng đắn.”

Xem ra, nguyên thủ quốc gia nào gặp lãnh đạo ĐCSTQ mới lên ngôi chủ tịch nước trong lần ông xuất hiện đầu tiên ở quốc tế cũng khó tránh khỏi số phận làm nền trong bài đưa tin của Nhân Dân Nhật Báo.

Nhân dân Nhật báo là tờ báo được đọc nhiều nhất ở Trung Quốc và là cơ quan tuyên truyền chủ đạo của Đảng Cộng sản, bên cạnh CCTV.

Chúng ta đừng bị lầm bởi cái tên “Nhân Dân”. Chủ sở hữu tờ báo này không phải là nhân dân Trung Quốc. Ủy ban Trung ương đảng ĐCSTQ mới là ông chủ, và tờ báo thường xuyên đăng các bài của nó dưới các bút danh có thẩm quyền, cùng với giọng điệu mang tính định hướng biên tập, và các luận điểm của tờ báo thông thường sẽ được tái phản ánh trong các tuyên bố của Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Ý nghĩa về chính trị trong nước, Nhân Dân Nhật Báo và các ấn phẩm hàng đầu khác của Đảng là để giúp gây dựng tính hợp pháp quyền cai trị của Đảng ở Trung Quốc. Lưu ý rằng, ĐCSTQ lên nắm quyền năm 1949 là nhờ lật đổ đảng cầm quyền đối lập, Quốc Dân Đảng, từ đó thiết lập dựng chế độ độc tài toàn trị sau khi xóa bỏ chế độ đa đảng vốn có lúc bấy giờ.

Cho nên, chủ trương tôn sùng lãnh tụ tối cao của Đảng cũng theo đó xuyên suốt chiều dày lịch sử ĐCSTQ gần 75 năm qua.

Đánh giá hôm thứ Hai về chuyến đi của ông Tập tới Indonesia cũng miêu tả ông như là “tâm điểm” của Hội nghị Thượng đỉnh G20, khi các nhà lãnh đạo thế giới “tranh giành nhau” để có được cơ hội nói chuyện với ông. Đây là nói đến cả “người bạn cũ” của ông Tập, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres, người đã “vội vàng chạy đến” để chào đón Chủ tịch Trung Quốc, theo miêu tả trong bài báo.

Ông Kewalramani nói, “Đây là một phần của sự sùng bái cá nhân đã được xây dựng trong nhiều năm. Phần lớn những bài thế này là để củng cố quyền lực của ông Tập ở quê nhà sau Đại hội Đảng lần thứ XX, bằng cách thể hiện vị thế của ông với tư cách là một chính khách quốc tế được săn đón, cũng ám chỉ rằng Trung Quốc là một quốc gia có tầm ảnh hưởng quan trọng đến đường hướng phát triển toàn thế giới”.

“Ví dụ, bài báo đặc biệt nhấn mạnh những ý tưởng và đề xuất của Trung Quốc nào mà được đưa vào tuyên bố của G20 và tuyên bố của các nhà lãnh đạo APEC,” ông nói, đồng thời nó bỏ qua cụm từ “thời đại ngày nay không nên có chiến tranh”, một cụm từ được thực sự có trong thông cáo cuối cùng, và được cho là ý tưởng của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.

Ông Kewalramani nói, “Tôi cho rằng nó là nhân tố giúp đẩy lùi những người chỉ trích trong nước, những người tin rằng chính sách đối ngoại quyết đoán của ông Tập và sự gần gũi với ông Putin đã khiến Trung Quốc bị cô lập hơn”.

Đài báo của Đảng vẫn luôn là như thế. Những cảnh như bắt đầu là thời sự trong nước về hàng loạt tin tức cán bộ Đảng chăm nom dân chúng và yêu dân như con ra sao, rồi tiếp đến là thời sự quốc tế hàng loạt tin tức chiến tranh bạo động khủng bố thế nào, v.v. đã quá quen thuộc, vì đó chính là chương trình thời sự của nhà nước được phát sóng vào mỗi bữa cơm hàng ngày của nhân dân.

“Thế giới khao khát được nghe tiếng nói của Trung Quốc,” Nhân Dân Nhật Báo viết. “Thế giới khao khát mong hiểu được Trung Quốc.”