Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, Lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình tái khẳng định cam kết của nước này với Nga trong cuộc điện đàm ngày 15/6 cùng Tổng thống Nga Vladimir Putin. 

Embed from Getty Images

Trong cuộc điện đàm nhân dịp sinh nhật lần thứ 69 của ông Tập, hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng quan hệ giữa Nga và Trung Quốc “đã đạt mức cao chưa từng có và đang không ngừng được cải thiện”

Hãng truyền thông nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Tập: “Trung Quốc sẵn sàng làm việc với Nga để tiếp tục hỗ trợ nhau về những lợi ích cốt lõi liên quan đến chủ quyền và an ninh cũng như về các mối quan tâm chính yếu, tăng cường hợp tác chiến lược, tăng cường giao tiếp, phối hợp trong các tổ chức khu vực và quốc tế quan trọng như Liên Hợp Quốc, khối BRICS và Tổ chức Hợp tác Thượng Hải.”

Ông Tập khẳng định ĐCSTQ sẵn sàng cùng Nga thúc đẩy mối quan hệ với các quốc gia đang phát triển nhằm hình thành một trật tự quốc, tế giúp mang lại lợi ích tốt hơn cho hai nước. 

“Phía Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng Nga để thúc đẩy sự phát triển ổn định và lâu dài trong mối quan hệ hợp tác song phương thiết thực.”

Thông báo về cuộc điện đàm, phát ngôn viên Điện Kremlin cho biết ông Tập thừa nhận “tính hợp pháp đối với các hành động của Nga trong việc bảo vệ những lợi ích cơ bản của quốc gia trước thách thức an ninh do các thế lực bên ngoài tạo ra”. Tuyên bố này có khả năng ám chỉ tuyên truyền của Nga rằng cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine là một nỗ lực nhằm ngăn chặn sự mở rộng của NATO.

Ukraine không được xem xét để gia nhập NATO tại thời điểm Nga xâm lược nước này vào tháng Hai, và sẽ bị từ chối tư cách thành viên vì các bên nộp đơn cho NATO phải duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ tại tất cả các vùng đất mà họ tuyên bố chủ quyền; Ukraine không đáp ứng được tiêu chí này. 

Kể từ khi ông Tập và ông Putin lần đầu tuyên bố quan hệ đối tác “không giới hạn” vào ngày 4/2, liên minh đang phát triển giữa ĐCSTQ và Điện Kremlin ngày càng khiến các quan chức phương Tây lo ngại.

Không như Mỹ, Anh, Canada, EU, Nhật Bản, Úc và một số quốc gia khác, từ đó đến nay, ông Tập đã không tham gia vào các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga trong bối cảnh cuộc xâm lược Ukraine. ĐCSTQ đã nhất quán lập trường rằng các biện pháp tài chính quốc tế chống lại Nga là không hợp lệ, do đó Trung Quốc đã cung cấp cho Nga một huyết mạch kinh tế quan trọng trên thị trường nước này. Trong khi kêu gọi hòa bình, chính phủ Trung Quốc lại tuyên bố họ hiểu những lo ngại về an ninh của Nga và lên án việc phương Tây cung cấp vũ khí cho Kyiv.

Vào cuối tháng Hai, Bắc Kinh đã bỏ phiếu trắng đối với một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhằm lên án các hành động của Điện Kremlin. Washington đã cố gắng gây áp lực buộc Bắc Kinh phải áp dụng một quan điểm đồng thuận hơn với phương Tây, mặc dù Trung Quốc cho đến nay đã từ chối thực hiện bất kỳ hành động thù địch nào đối với Nga, mà nước này gọi là “đối tác chiến lược”.

ĐCSTQ cũng đã bị chỉ trích vì sự ủng hộ rõ ràng của họ đối với Nga trong suốt cuộc chiến đang diễn ra tại Ukraine. Hoa Kỳ cáo buộc ĐCSTQ đang xem xét hỗ trợ quân sự cho Nga và tương tự, một báo cáo từ Ukraine cho rằng các tin tặc liên kết với ĐCSTQ đã phát động một cuộc tấn công mạng quy mô lớn vào Ukraine một ngày trước khi ông Putin phát động cuộc xâm lược.

Hiện tại, ĐCSTQ vẫn tiếp tục kiểm duyệt nghiêm ngặt các cuộc hội thoại về chiến tranh Nga-Ukraine trên mạng xã hội, từ chối gọi đó là một cuộc chiến, và ủng hộ quan điểm của Nga rằng đây là một “hoạt động quân sự đặc biệt”.

Điện Kremlin đã công khai ủng hộ các tuyên bố của ĐCSTQ về Đài Loan và khẳng định họ phản đối các nỗ lực của quốc tế nhằm gây ảnh hưởng đến những sự kiện đang diễn ra ở Đài Loan, Tân Cương và Hồng Kông.

Các nhà lãnh đạo tình báo Hoa Kỳ cho rằng quan hệ đối tác ĐCSTQ-Điện Kremlin chỉ có khả năng trở nên sâu sắc hơn trong thập kỷ tới, và rằng tình huống chiến lược mới này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến địa-chiến lược, vì Hoa Kỳ chưa bao giờ đối mặt với hai đối thủ hạt nhân gần như ngang hàng cùng một lúc.

“Hiện tại chúng ta đang ở thời điểm cần chia sẻ nhiều hơn nữa về kế hoạch và các hoạt động hạt nhân của chúng ta cũng như cách chúng ta sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân, không chỉ là răn đe thông thường, mà là vai trò vũ khí hạt nhân của Mỹ trong một cuộc khủng hoảng.” ông David Santoro, chủ tịch Diễn đàn Thái Bình Dương, một nhà tư vấn chính sách đối ngoại, phát biểu vào tháng Tư.

“Thật không may, quý vị biết đấy, đôi khi chúng ta nói về sự ổn định chiến lược như một nguyên tắc tổ chức trong các mối quan hệ  Mỹ – Nga và Mỹ – Trung. Tôi không nghĩ rằng chúng ta có thể đạt được sự ổn định vào lúc này. Chúng ta đang ở vào một tình huống rất, rất tệ với cả hai nước.”

Cuộc điện đàm giữa ông Tập và ông Putin diễn ra chưa đầy một tuần sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đe dọa khởi động chiến tranh về vấn đề độc lập của Đài Loan, và chỉ vài ngày sau khi ông Tập công bố một loạt 59 quy định mới nhằm trang bị cho quân đội của ĐCSTQ về các hành động quân sự “phi chiến tranh”.

Vẫn chưa rõ ĐCSTQ định nghĩa như thế nào là hành động quân sự “phi chiến tranh”, tuy nhiên cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine có thể là một cách giải thích khi cả Nga và Trung Quốc đều không thừa nhận đó là một cuộc chiến.

Vy An (Theo The Epoch Times)