Trong phiên họp của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) cùng Nga tại Algiers, Algeria, các thành viên OPEC và Moscow hôm Chủ Nhật (23/9) đã loại trừ việc tăng sản lượng dầu thô vài ngày sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump kêu gọi các nước xuất khẩu dầu mỏ phải “giảm giá dầu ngay lập tức”.

Embed from Getty Images

Theo Daily Caller, việc giá dầu thô thế giới đang tăng đã đẩy áp lực lên giá xăng tại thị trường Mỹ. Số liệu từ Hiệp hội Ôtô Mỹ cho thấy mức giá trung bình của 1 gallon xăng tại Mỹ đã tăng khoảng 30 cent từ năm 2017.

Trước xu hướng giá xăng, dầu tiếp tục tăng, hôm thứ Năm (20/9), Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích OPEC tiếp tục đẩy “giá dầu ngày càng cao hơn” và kêu gọi khối này phải “giảm giá [dầu] ngay lập tức”.

Chúng tôi bảo vệ các nước Trung Đông, họ sẽ không được an toàn thời gian dài nếu không có chúng tôi, nhưng họ tiếp tục đẩy giá dầu lên ngày càng cao hơn! Chúng tôi sẽ ghi nhớ. Tổ chức độc quyền OPEC phải hạ giá ngay bây giờ!”, ông Trump đăng tweet hôm 20/9.

Phản ứng trước yêu cầu của ông Trump, OPEC và Nga hôm 23/9 đã chính thức tuyên bố không gia tăng sản lượng dầu thô trong thời điểm này.

Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Saudi Khalid al-Falih nói rằng mặc dù OPEC sẽ hướng tới “tuân thủ 100%” cam kết bù đắp sản lượng dầu thiếu hụt tại Venezuela nếu phát sinh nhu cầu đó, nhưng hiện tại “không thấy nhu cầu phải tăng thêm bất kỳ thùng dầu nào”.

Thông tin mà tôi có được cho thấy thị trường vẫn được cung ứng đủ. Tôi không biết có bất kỳ nhà máy lọc dầu nào trên thế giới đang cần dầu thô và họ không thể có được nó”, Reuters dẫn phát biểu của ông Falih.

Cùng quan điểm với ông Falih, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak đã thông tin rằng sẽ không có bất kỳ sự gia tăng sản lượng dầu thô nào ở thời điểm hiện tại. Nga và Ả Rập Saudi là hai trong ba nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới. Hai nước này đã hợp tác cùng nhau để đẩy giá dầu tăng lên trong hai năm qua.

Tại sao OPEC không muốn tăng sản lượng dầu thô?

OPEC với sự dẫn dắt của Ả Rập Saudi từ lâu đã muốn thao túng thị trường dầu mỏ thế giới vì nền kinh tế của hầu hết các quốc gia thành viên tổ chức này phụ thuộc vào xuất khẩu dầu mỏ. Tăng sản lượng khai thác đồng nghĩa với việc nguồn tài nguyên cạn kiệt dần và đó là điều không thành viên OPEC nào mong muốn.

Trong vài năm qua, OPEC cũng gặp sự cạnh tranh lớn từ các nước không phải thành viên OPEC, đặc biệt là Mỹ với công nghệ khai thác dầu đá phiến tiên tiến, giúp gia tăng đáng kể sản lượng dầu thô. Theo Reuters, tới tháng Tám vừa qua, Mỹ đã vượt cả Nga và Ả Rập Saudi để trở thành nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới.

>>Sản lượng dầu mỏ của Mỹ đã vượt Ả Rập Saudi và Nga

OPEC muốn để Mỹ tăng sản lượng khai thác trong ngắn hạn và trung hạn và dự báo rằng trong dài hạn Washington sẽ phải giảm sản lượng và không có khả năng cạnh tranh với OPEC. “Mỹ cho tới nay đang là nguồn cung dầu thô quan trọng nhất cho tăng trưởng nguồn cung trung hạn, đóng góp tới 2/3 nguồn cung mới”, OPEC cho biết.

Với đà tăng sản lượng này của Mỹ, OPEC dự báo rằng sức cạnh tranh của Washington sẽ giảm đáng kể trong vòng chưa tới năm năm nữa, và khi đó khối các nước xuất khẩu dầu mỏ lại giữ thế thống trị thị trường toàn cầu.

Theo tờ Nhật báo Phố Wall, OPEC dự báo rằng sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ đạt đỉnh 14,3 triệu thùng/ngày vào khoảng năm 2027 và sau đó sẽ giảm xuống mức trung bình 12,1 triệu thùng/ngày vào năm 2040. Khi đó, lượng cầu dầu thô toàn cầu gia tăng và OPEC sẽ được hưởng lợi với dự báo sản lượng của khối này năm 2040 vào khoảng 40 triệu thùng/ngày.

Nước Mỹ-Trump phải làm gì?

Trong bối cảnh OPEC và Nga từ chối tăng sản lượng khai thác, các nhà phân tích dự báo rằng cầu dầu thô toàn cầu sẽ vượt cung trong tương lai gần.

Một số ý kiến cho rằng, nếu giá xăng, dầu tiếp tục tăng cao, Tổng thống Trump sẽ ra lệnh xả kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược (SPR) của Mỹ để có thể ổn định giá trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Rick Perry hồi tháng Sáu đã bác bỏ khả năng sử dụng tới SPR khi nhận được câu hỏi của phóng viên tờ Daily Caller. Ông Perry cho rằng SPR chỉ dùng cho trường hợp khẩn cấp và không phải để thao túng thị trường.

Cái đó là cho các trường hợp khẩn cấp. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ mà chúng tôi có thể trong đất nước của chúng ta để giữ giá xăng ở mức hợp lý”, ông Perry nói với Daily Caller.

Trong khi đó, theo các nhà phân tích của ClearView Energy Partners LLC, áp lực tăng giá dầu mỏ có thể làm sống lại việc ủng hộ Quốc hội Mỹ ban hành một đạo luật gắn nhãn OPEC là tổ chức lũng đoạn thị trường theo luật chống độc quyền.

Trong một báo cáo phát hành hôm 23/9, các nhà phân tích của ClearView cho hay: “Việc tăng giá [dầu mỏ] có thể xúc tiến quốc hội thông qua Đạo luật Không được có các Tổ chức Độc quyền Sản xuất và Xuất khẩu Dầu mỏ (gọi tắt là Đạo luật NOPEC), theo đó sẽ cho phép truy tố liên bang tổ chức OPEC như là một tổ chức độc quyền chiếu theo Đạo luật Chống Độc quyền Sherman”.

Theo Daily Caller, Đạo luật NOPEC do một nhóm các nhà lập pháp từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa giới thiệu ra quốc hội từ tháng Năm. Đạo luật này sẽ loại bỏ quyền miễn trừ OPEC theo luật liên bang hiện hành và cho phép kiện OPEC vi phạm Đạo luật Chống Độc quyền Sherman.

Tổng thống Trump cũng đã thông báo tái áp đặt chế tài Iran sau khi rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015, theo đó, tới ngày 4/11, các nước sẽ phải ngừng nhập dầu mỏ của chế độ Tehran. Chắc chắn khi đó nguồn cung dầu toàn cầu sẽ thiếu hụt lớn và OPEC không thể không tăng sản lượng, trừ khi các nước đồng loạt chống lại chế tài của Washington, kéo theo những hậu quả khủng khiếp hơn.

Tân Bình (T/h)

Xem thêm: