Phó Tổng thống Mike Pence, trong cuộc tập trung chiến dịch hôm 4/1 vận động cho 2 ứng viên thượng viện Đảng Cộng hòa của bang Georgia, đã công khai tuyên bố về vấn đề thách thức phiếu Cử tri đoàn trong cuộc họp hỗn hợp của Quốc hội Mỹ hôm 6/1. Ông Pence nói rằng Tổng thống Donald Trump và Đảng Cộng hòa sẽ “có ngày của chúng ta tại Quốc hội”.

Embed from Getty Images

Tôi biết tất cả chúng ta có nghi vấn về cuộc bầu cử vừa qua… tôi hứa với quý vị, đến ngày thứ Tư [6/1] này, chúng ta sẽ có ngày của mình tại Quốc hội. Chúng tôi sẽ lắng nghe các phản đối. Chúng tôi sẽ lắng nghe bằng chứng”, ông Pence nói với đám đông người ủng hộ Đảng Cộng hòa có mặt tại Nhà thờ Rock Springs, Milner, bang Georgia. 

Đây là buổi tập trung chiến dịch đầu tiên mà ông Pence công khai nói về vấn đề phản đối phiếu Cử tri đoàn vào ngày 6/1. Nhưng phó tổng thống không trả lời phỏng vấn báo chí.

Theo USA Today, khi ông Pence nói với những người ủng hộ rằng “chúng tôi cần quý vị bỏ phiếu”, một người nào đó trong đám đông đã hét to: “Chúng tôi cần ông làm điều đúng đắn vào ngày 6/1!

Khi ông Pence nói về vinh dự được làm phó tổng thống Mỹ, đám đông đã hét lớn: “Chấm dứt đánh cắp!

Phó Tổng thống Pence và cũng giữ vai trò Chủ tịch Thượng viện sẽ là người chủ trì cuộc họp hỗn hợp của Quốc hội hôm 6/1 để kiểm đếm và xác nhận phiếu Cử tri đoàn bầu tổng thống Mỹ nhiệm kỳ 2021-2024. Ông Pence sẽ kiểm và đọc các phiếu đại cử tri của tất cả 50 bang. Một số chuyên gia luật cho rằng trong vai trò Chủ tịch Thượng viện, ông Pence có quyền được bác bỏ các danh sách cử tri đoàn trong một số bang nhất định. Nhưng các chuyên gia luật khác lại khẳng định rằng ông Pence chỉ có quyền kiểm đếm phiếu mà thôi.

Vai trò của ông Pence trong cuộc họp hỗn hợp của Quốc hội sắp tới tuần qua đã được làm nóng lên sau khi Dân biểu Louie Gohmert (bang Texas) đã đệ trình một đơn kiện yêu cầu tòa án cấm phó tổng thống hủy bỏ một điều khoản trong Đạo luật Kiểm phiếu Cử tri đoàn 1887. Ông Louie Gohmert, trong đơn kiện đến nay đã bị tòa án bác, đã khẳng định rằng ông Pence được Tu chính án thứ 12 của Hiến pháp Hoa Kỳ trao quyền để bác các đại cử tri của các bang bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden. 

Trong bài phát biểu hôm 4/1 tại Georgia, ông Pence không nêu chi tiết về vai trò của mình trong phiên họp Quốc hội vào ngày 6/1 tới đây.

Trong khi đó, vào cuối tuần qua, thông qua Chánh văn phòng Marc Short, phó tổng thống đã hoan nghênh nỗ lực của các nhà lập pháp trong việc thách thức các kết quả Cử tri đoàn.

Ông Marc Short nói rằng Phó tổng thống Pence hoan nghênh nỗ lực của các nhà lập pháp nhằm đưa ra bằng chứng trước Quốc hội về các bất thường bầu cử và gian lận cử tri bị cáo buộc.

Trước đó, đã có khoảng ít nhất 50 dân biểu và 12 thượng nghị sĩ của Đảng Cộng hòa đã cam kết sẽ phản đối phiếu Cử tri đoàn của một số bang quan trọng đang bị cáo buộc xảy ra gian lận cử tri và bất thường bầu cử trên diện rộng. 

Vào phiên họp hỗn hợp của Quốc hội ngày 6/1, các phản đối sẽ có hiệu lực khi có ít nhất một dân biểu và một thượng nghị sĩ ký tên vào kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn bằng văn bản. Nếu điều kiện đó được đáp ứng, phiên họp hỗn hợp sẽ tạm dừng và mỗi viện sẽ tách ra họp riêng để thảo luận trong ít nhất hai giờ. Sau khi thảo luận, mỗi viện sẽ bỏ phiếu với quy tắc đa số tối thiểu để đồng ý hoặc bác bỏ kiến nghị phản đối phiếu Cử tri đoàn.

Nếu không ứng viên tổng thống nào vào ngày 6/1 được Quốc hội xác nhận có ít nhất 270 phiếu cử tri đoàn, thì một cuộc bỏ phiếu bất thường sẽ được kích hoạt tại Hạ viện và Thượng viện. Tại mỗi viện quốc hội, các đoàn lập pháp của mỗi bang sẽ bỏ phiếu bầu ra Tổng thống (tại Hạ viện) và Phó Tổng thống (tại Thượng viện).

Xuân Thành

Xem thêm: