Ông Vladimir Putin hôm thứ Hai (7/5) đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga nhiệm kỳ tư, đồng thời tiếp tục chỉ định ông Medvedev làm Thủ tướng. Ngoại giới đánh giá đây là dấu hiệu cho thấy Điện Kremlin vẫn sẽ giữ nghị trình xung đột với phương Tây.

Embed from Getty Images

Ông Putin phát biểu tại buổi lễ tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga hôm 7/5 tại Điện Kremlin, Moscow.

Đứng trong Sảnh Andreyevsky được trang trí lộng lẫy của Cung điện Grand Kremlin, với một tay đặt trên phiên bản Hiến pháp Nga bìa vàng, ông Vladimir Putin, 65 tuổi, đã tuyên thệ sẽ phục vụ nhân dân Nga, bảo vệ nhân quyền, tự do và bảo vệ chủ quyền của nước Nga.

Trước đó, trong cuộc bầu cử tổng thống Nga hôm 18/3, ông Putin đã giành chiến thắng dễ dàng với hơn 70% số phiếu ủng hộ khi không còn bất kỳ đối thủ chính trị nào. Thách thức lớn nhất của ông Putin là lãnh đạo đối lập Alexei Navalny đã bị đình chỉ tư cách ứng viên và hôm thứ Bảy (5/5) ông này tiếp tục bị cảnh sát bắt giam trong một cuộc biểu tình được gọi theo hiệu ngữ: “Putin không phải là sa hoàng của chúng ta”.

Ngay sau nghi lễ nhậm chức, Điện Kremlin đã phát đi tuyên bố nói rằng ông Putin đã chỉ định ông Dmitry Medvedev tiếp tục giữ chức Thủ tướng trong nhiệm kỳ mới 6 năm. Ông Medvedev là đối tác chính trị trung thành của ông Putin và đã làm Thủ tướng Nga từ năm 2012.

Ngoại giới nhận định rằng bằng việc lựa chọn ông Medvedev, ông Putin cho thấy ông ưu tiên sự liên tục. Lựa chọn này cũng được cho là cách để ông Putin xử lý vấn đề giới hạn hai nhiệm kỳ liên tiếp vào kỳ bầu cử năm 2024.

Vào năm 2008, khi đối mặt với quy định của Hiến pháp Nga về giới hạn cầm quyền không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp, ông Putin đã vượt qua thách thức này bằng cách đẩy ông Medvedev lên làm Tổng thống và bản thân ông tạm thời giữ vai trò Thủ tướng và sau đó tiếp tục trở lại là lãnh đạo cao nhất của nước Nga năm 2012.

Một số nhà quan sát chính trị quốc tế tin rằng ông Putin có thể sẽ thực hiện cách thức tương tự vào năm 2024, thời điểm ông đã ở độ tuổi 71.

Cho dù Tổng thống Putin bước vào nhiệm kỳ thứ tư với sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Nga (theo các khảo sát của chính phủ Nga), nhưng Moscow cũng gặp rất nhiều thách thức cả về đối nội và đối ngoại. Nước Nga đang rơi vào một cuộc đối đầu tốn kém với phương Tây, trong khi tăng trưởng kinh tế nội địa ở mức thấp.

Trong vài tuần qua Nga vẫn đang căng thẳng với Mỹ xung quanh các chế tài kinh tế mà Washington áp đặt lên Moscow, cùng vấn đề Syria, và vụ nước Anh cáo buộc Nga đầu độc cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal. Mâu thuẫn Nga – phương Tây có nguy cơ rơi vào vòng xoáy vượt ngoài tầm kiểm soát.

Về kinh tế trong nước, do ảnh hưởng của giá dầu giảm từ nhiều năm qua và chế tài từ phương Tây, kinh tế Nga bị đình trệ, đồng rouble mất giá, lạm phát tăng cao. Lương trung bình hàng tháng của lao động Nga giảm từ mức tương đương 867 USD năm 2013 xuống 553 USD vào năm ngoái.

Năm 2017, nền kinh tế Nga – lớn thứ 11 thế giới – đã bắt đầu tăng trưởng trở lại, nhưng vẫn ở mức thấp, chỉ đạt 1,5%. Nguyên nhân chính cho sự phục hồi này là do giá dầu thế giới tăng trở lại. Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế này vẫn là rất thấp so với thời kỳ đầu cầm quyền của ông Putin.

Nhận thức được sự lo lắng của người dân, trong bài phát biểu tại lễ nhậm chức, ông Putin đã trấn an dân chúng Nga khi nói rằng trong 6 năm tới nước Nga sẽ chứng minh mình là một thành viên mạnh mẽ trên vũ đài thế giới được hậu thuẫn bởi quân đội quyền lực, đồng thời đẩy mạnh việc nâng cao đời sống của nhân dân.

Hình ảnh đáng chú ý mà Reuters mô tả trước buổi lễ nhậm chức là ông Putin đã di chuyển từ văn phòng của ông tới địa điểm cử hành lễ tuyên thệ bằng chiếc limousine sản xuất tại Nga. Truyền thông nhà nước Nga loan tin rằng từ bây giờ chiếc xe limousine ‘made in Russia’ này sẽ thay thế cho đội xe nhập khẩu mà ông Putin đang sử dụng.

Việc lựa chọn phương tiện do chính nước Nga sản xuất mang theo thông điệp mà ông Putin gần đây thường lặp đi lặp lại trong các bài phát biểu của mình rằng nước Nga phải đứng trên đôi chân của chính mình và rũ bỏ sự phụ thuộc vào phương Tây.

Yên Sơn

Xem thêm: