Trích dẫn các báo cáo “rất đáng tin cậy”, một quan chức cấp cao của Hoa Kỳ cảnh báo, Tổng thống Nga Vladimir Putin đang lên kế hoạch sáp nhập phần lớn miền Đông Ukraine vào nửa cuối tháng này.

Embed from Getty Images

Trong một cuộc họp báo, ông Michael Carpenter, Đại sứ Hoa Kỳ tại Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu, tiết lộ, Hoa Kỳ đang quan tâm đến các ý định chính trị của Nga ở Ukraine, đặc biệt là những ý định đối với các khu vực ở phía Nam và Đông của quốc gia Đông Âu này.

Đại sứ Carpenter lưu ý: “Hiện tại những gì chúng ta đang nhìn thấy là các lực lượng của Nga đang tập hợp lại và tái tập trung nỗ lực của họ vào phía nam và đông của Ukraine, và khi chúng tôi xem xét kế hoạch của Nga, [chúng tôi cũng thấy] họ đang tái tập trung vào phía nam và đông của Ukraine.”

Ông cho biết thêm, các quan chức Hoa Kỳ có “những thông tin cho thấy, kế hoạch ban đầu của Nga bao gồm kế hoạch bắt buộc chính phủ được bầu cử dân chủ của Ukraine phải đầu hàng cũng như giải thể các cơ cấu chính quyền địa phương. Và kế hoạch đó, theo thông tin của chúng tôi, bao gồm các kế hoạch không chỉ thành lập một chính phủ mới ở Ukraine, mà còn tạo ra một hiến pháp mới.”

Tuy nhiên, quân đội Nga đã không thể chiếm được thủ đô Kyiv của Ukraine và buộc phải rút lui vào tháng trước.

Vị đại sứ của Hoa Kỳ dự đoán, hiện tại có khả năng Điện Kremlin sẽ dàn dựng “cuộc trưng cầu ý dân giả” ở những vùng lãnh thổ ly khai do Nga hậu thuẫn như Donetsk và Luhansk vào thời gian nào đó giữa tháng 5 để “cố gắng tăng cường lớp vỏ bọc dân chủ hoặc tính hợp pháp bầu cử”, điều mà ông nhận định là “sách lược của Điện Kremlin”.  

Ông cảnh báo, một cuộc trưng cầu dân ý tương tự tiếp theo có thể diễn ra tại thành phố Kherson ở miền Nam Ukraine, nơi Điện Kremlin được cho là đang cố gắng tổ chức “nước cộng hòa nhân dân” Kherson.

Theo ông, sau khi các nhà lãnh đạo được bầu một cách dân chủ của Ukraine bị loại bỏ, có khả năng Nga sẽ bố trí “những con rối và người đại diện” của Điện Kremlin vào những khu vực đó.

Đại sứ Carpenter không cung cấp chi tiết về nguồn gốc của các báo cáo, nhưng ông cho hay, các quan chức chính phủ Mỹ đang theo dõi tình hình rất chặt chẽ để xem liệu Tổng thống Putin có thể cố gắng dàn dựng một động thái như vậy trong tương lai gần hay không.

Ông cũng bày tỏ, Hoa Kỳ và các đồng minh quốc tế của mình sẽ không công nhận một cuộc trưng cầu dân ý giả mạo như vậy, đồng thời nhấn mạnh “các lá phiếu bịa đặt cũng như bất kỳ nỗ lực nào nhằm thôn tính thêm lãnh thổ của Ukraine đều sẽ không được coi là hợp pháp.”

Nga chưa đưa ra bình luận công khai về các cáo buộc hôm thứ Hai (2/5).

Tổng thống Nga Putin đã công nhận các khu vực ly khai Donetsk và Luhansk là độc lập với Ukraine chỉ vài ngày trước khi phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24/2. Quyết định của ông được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo của hai khu vực này, vốn chiếm phần lớn diện tích của vùng Donbass, yêu cầu ông làm điều đó vào ngày 21/2.

Tuy nhiên, những người ly khai do Nga hậu thuẫn ở những khu vực này đã và đang chiến đấu chống lại quân đội Ukraine kể từ năm 2014, khi họ tuyên bố độc lập khỏi Ukraine. Đây cũng là thời điểm Tổng thống Putin sáp nhập bán đảo Crimea của Ukraine vào Nga, thông qua một cuộc bỏ phiếu bị nhiều quốc gia lên án là gian lận.

Trong một diễn biến khác hôm 2/5, Đại sứ Carpenter nhận xét, chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến thủ đô Kyiv của Ukraine, nơi bà gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, đã đưa ra một “thông điệp rõ ràng rằng Hoa Kỳ luôn sát cánh cùng Ukraine”.

Vị đại sứ nêu rõ: “Chuyến thăm này nhấn mạnh sự cam kết lưỡng đảng mạnh mẽ của người dân Mỹ trong việc hỗ trợ những người dân Ukraine dũng cảm, những người đang đứng lên chống lại sự tàn bạo của Điện Kremlin.”

Chủ tịch Hạ viện Pelosi cùng với một phái đoàn các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã đến Kyiv để gặp Tổng thống Zelensky trong bối cảnh Quốc hội Mỹ đang làm việc với Nhà Trắng để thông qua gói viện trợ 33 tỷ đô la cho Ukraine.

Gia Huy (Theo The Epoch Times)