Hôm thứ 3 (16/2), chính quyền quân sự Myanmar đảm bảo rằng họ sẽ tổ chức một cuộc bầu cử và trao lại quyền lực [cho chính phủ mới], bác bỏ việc quân đội lật đổ chính phủ được bầu là một cuộc đảo chính, phủ nhận việc những nhà lãnh đạo của nước này đã bị bắt giữ, đồng thời cáo buộc những người biểu tình có hành động bạo lực và đe dọa.

Embed from Getty Images

Tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh những người biểu tình tiếp tục xuống đường và Trung Quốc bác bỏ những tin đồn lan truyền trên mạng xã hội rằng nước này đã giúp quân đội Myanmar thực hiện cuộc đảo chính.

Chuẩn tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên của hội đồng cầm quyền, nói trong một cuộc họp báo đầu tiên của chính quyền quân sự Myanmar kể từ khi lật đổ chính phủ của bà Suu Kyi: “Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức một cuộc bầu cử và trao lại quyền lực cho bên chiến thắng.”

Quân đội Myanmar chưa ấn định một ngày cụ thể cho cuộc bầu cử mới, nhưng đã áp đặt tình trạng khẩn cấp trong một năm. Tướng Zaw Min Tun cho biết quân đội sẽ không nắm quyền lâu.

Trong một cuộc họp báo kéo dài gần hai giờ  được quân đội Myanmar phát trực tiếp từ thủ đô Naypyidaw của Myanmar qua Facebook, ông đảm bảo rằng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức lại.

Khi được hỏi về việc giam giữ bà Suu Kyi, người đoạt giải Nobel Hòa bình và tổng thống của nước này, tướng Zaw Min Tun phủ nhận ý kiến cho rằng những người này đang bị giam giữ, nói rằng họ đang ở trong nhà của mình để đảm bảo an toàn trong khi luật pháp được thực thi.

Bà Suu Kyi, 75 tuổi, đã trải qua gần 15 năm bị quản thúc tại gia vì những nỗ lực nhằm chấm dứt sự cầm quyền của quân đội.

Bà đang phải đối mặt với cáo buộc nhập khẩu bất hợp pháp sáu bộ đàm và đang bị tạm giữ cho đến thứ 4 (17/2). Hôm thứ 3 (16/2), luật sư của bà cho biết cảnh sát đã đệ đơn cáo buộc thứ hai về việc bà vi phạm Luật Quản lý Thiên tai.

Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Hoa Kỳ cảm thấy “bối rối” trước các cáo buộc hình sự bổ sung chống lại bà Suu Kyi. Tuần trước, Washington đã áp đặt các lệnh trừng phạt mới đối với quân đội Myanmar. Không có biện pháp [trừng phạt] bổ sung nào được công bố hôm thứ 3 (16/2).

Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng lên tiếng chỉ trích cáo buộc hình sự mới của chính quyền quân sự Myanmar đối với bà Suu Kyi, nói rằng cáo buộc đó là “sự bịa đặt” của quân đội Myanmar.

Trong khi đó, Tướng Zaw Min Tun cho biết chính sách đối ngoại của Myanmar sẽ không thay đổi, vẫn mở cửa cho việc kinh doanh và các giao dịch sẽ được duy trì.

Quân đội Myanmar hy vọng rằng những lời trấn an của mình sẽ giảm bớt chiến dịch [bất tuân dân sự] đang diễn ra hàng ngày để phản đối sự cầm quyền của họ cũng như việc loại bỏ bà Suu Kyi và chính phủ của bà.

Cũng như các cuộc biểu tình tại các thị trấn và thành phố trên khắp đất nước, một chiến dịch bất tuân dân sự đã gây ra các cuộc đình công và làm tê liệt nhiều bộ phận chức năng của chính phủ.

Tình trạng bất ổn hiện nay làm sống lại những ký ức về những cuộc nổi dậy đẫm máu [trước đây] nhằm phản đối sự cầm quyền trực tiếp của quân đội vốn đã kéo dài gần nửa thế kỷ. Việc cầm quyền của giới quân sự đã chấm dứt vào năm 2011 khi quân đội bắt đầu quá trình rút khỏi chính trường.

Mặc dù lần này bạo lực đã được hạn chế, nhưng cảnh sát đã nhiều lần bắn vào đám đông, phần lớn bằng đạn cao su, để giải tán những người biểu tình. 

Một nhân chứng cho biết sáu người đã bị thương tại thị trấn trung tâm Myaungmya hôm thứ 3 (16/2). Vào tuần trước, một phụ nữ đã bị bắn vào đầu tại Naypyidaw và được dự đoán sẽ không qua khỏi. 

Một thông báo của quân đội Myanmar cho biết những người biểu tình đã ném đá vào cảnh sát, làm bị thương một số nhân viên cảnh sát.

Tướng Zaw Min Tun cho biết một cảnh sát đã chết vì vết thương trong một cuộc biểu tình tại Mandalay hôm thứ Hai (15/2)

Ông nói rằng những người biểu tình đã khởi đầu bạo lực và chiến dịch bất tuân dân sự chẳng khác gì một sự đe dọa bất hợp pháp đối với các công chức.

Tướng Zaw Min Tun nói: “Chúng tôi sẽ kiên nhẫn chờ đợi. Sau đó, chúng tôi sẽ hành động theo luật.”

Quân đội Myanmar tự trao cho mình quyền khám xét và bắt giữ toàn diện, đồng thời đã sửa đổi bộ luật hình sự nhằm mục đích trấn áp những người bất đồng chính kiến bằng các mức án tù cứng rắn.

Chặn xe lửa

Những người biểu tình đã tràn vào một đoạn đường sắt dưới cái nắng rực cháy vào đầu ngày, vẫy các biểu ngữ ủng hộ phong trào bất tuân dân sự và chặn các chuyến tàu nối thành phố thương mại Yangon với thành phố phía nam Mawlamyine.

Đám đông hô vang khẩu hiệu trong các hình ảnh do truyền thông truyền trực tiếp: “Hãy trả tự do cho các nhà lãnh đạo của chúng tôi ngay lập tức”“hãy trả lại quyền lực cho nhân dân.”

Đám đông tụ tập tại Yangon, bao gồm cả tại ngân hàng trung ương. Những người biểu tình kêu gọi các nhân viên [ngân hàng] gia nhập phong trào bất tuân dân sự. Các nhà sư Phật giáo cũng tập hợp tại Yangon chống lại cuộc đảo chính trong khi hàng trăm người tuần hành qua thị trấn Thanked ở bờ biển phía tây.

Quân đội Myanmar lên nắm quyền với cáo buộc rằng những khiếu nại về gian lận trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8/11 đã bị bỏ qua. Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử.

Ủy ban bầu cử đã bác bỏ khiếu nại của quân đội.

Cuộc đảo chính đã gây ra phản ứng giận dữ từ các nước phương Tây.

Tuy nhiên, Trung Quốc thực hiện cách tiếp cận mềm mỏng hơn với lập luận rằng sự ổn định nên là ưu tiên hàng đầu của nước láng giềng, nơi họ có quan hệ chặt chẽ với quân đội Myanmar. Tuy nhiên, Trung Quốc đã cùng các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc khác kêu gọi [chính quyền quân sự Myanmar] trả tự do cho bà Suu Kyi.

Hôm thứ 3 (16/2), Đại sứ Trung Quốc Trần Hải (Chen Hai) cho biết tình hình tại Myanmar “chắc chắn không phải là điều Trung Quốc muốn nhìn thấy”, đồng thời bác bỏ tin đồn về sự dính líu của Trung Quốc trong cuộc đảo chính, cho rằng [điều này] “hoàn toàn vô nghĩa”.

Ông Trần, trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông được đăng trên trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc, cho biết Bắc Kinh duy trì quan hệ thân thiết với cả quân đội và chính phủ cũ của Myanmar và đã không được “thông báo trước về sự thay đổi chính trị này”.

Gia Huy (tổng hợp)

Xem thêm: