Theo tin từ Reuters, quân đội Thái Lan đã phủ nhận việc cung cấp gạo cho các đơn vị vũ trang của Myanmar. Hôm 20/3, quân đội Thái Lan cho biết bất kỳ thực phẩm nào được gửi qua biên giới chỉ là hoạt động thương mại bình thường.

Quân đội Myanmar đang bị cộng đồng quốc tế lên án gay gắt về cuộc đảo chính ngày 1 tháng 2 và các cuộc đàn áp đẫm máu nhằm vào người biểu tình chống lại sự cai trị của quân đội. Gần 250 người đã thiệt mạng.

Nước láng giềng Thái Lan cũng đã lên tiếng quan ngại về các vụ đổ máu. Tuy vậy, mới đây, truyền thông Thái Lan dẫn lời một quan chức an ninh giấu tên cho biết, thực hiện theo lệnh của chính phủ Thái Lan, quân đội Thái Lan đã cung cấp 700 bao gạo cho các đơn vị quân đội Myanmar ở biên giới phía đông Myanmar.

Truyền thông Thái Lan công bố các hình ảnh có vẻ là những bao gạo được chất lên xe tải ở biên giới. Những người đàn ông, một số mặc đồng phục rằn ri, băng qua Thái Lan và được kiểm tra nhiệt độ.

Sự hỗ trợ trực tiếp của Thái Lan đối với quân đội Myanmar đã bị những người ủng hộ chính phủ bị lật đổ do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo chỉ trích.

Tuy nhiên, Thiếu tướng Amnat Srimak, chỉ huy Lực lượng Naresuan Thái Lan, đã bác bỏ thông tin của truyền thông nước nhà, khẳng định rằng “Quân đội Thái Lan không cung cấp cho quân đội Myanmar và không có liên hệ nào từ quân đội Myanmar yêu cầu giúp đỡ hoặc yêu cầu bất kỳ sự hỗ trợ nào từ chúng tôi vì họ có danh dự của riêng mình.”

Tướng Amnat cho biết thêm: “Nếu có bất cứ điều gì, tôi nghĩ rằng vẫn có hoạt động thương mại bình thường tại các cửa khẩu biên giới. Chúng tôi sẽ không ngăn chặn việc này nếu hành vi đó không vi phạm pháp luật và tuân theo thủ tục hải quan.”

Người phát ngôn của chính phủ Thái Lan hay quân đội Myanmar đã không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters. 

Truyền thông Thái Lan cho biết các đơn vị quân đội Myanmar gần biên giới đã bị chống trả bởi các lực lượng của Liên minh Quốc gia Karen (KNU), một nhóm nổi dậy dân tộc thiểu số đã đồng ý ngừng bắn với chính phủ Myanmar vào năm 2012.

KNU đã ủng hộ phong trào dân chủ của Myanmar và lên án cuộc đảo chính và đàn áp của quân đội.

Việc di chuyển giữa Thái Lan và Myanmar đã bị hạn chế nghiêm trọng kể từ khi đại dịch virus Vũ Hán bùng phát, hoạt động buôn bán cũng bị hạn chế. Người dân nói với một phóng viên Reuters rằng lối đi được trông thấy trong các bức ảnh không phải là tuyến đường thương mại bình thường.

Lê Vy (theo Reuters)

Xem thêm: