Thượng viện Cộng hòa Séc đã thông qua một kiến nghị tuyên bố rằng việc chế độ cộng sản Trung Quốc đối xử với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác là tội ác chống lại loài người và tội ác diệt chủng. Hôm thứ Ba, Quốc hội Bỉ cũng đã thông qua một bản kiến nghị tương tự.

Embed from Getty Images

Bản kiến nghị của Séc đã được nhất trí thông qua bằng với tỷ lệ tuyệt đối 38/0, theo tuyên bố ngày 14/6 của Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC), bao gồm một nhóm các nhà lập pháp quốc tế đa đảng.

Bản kiến nghị lưu ý rằng “có hàng loạt vi phạm trên diện rộng về nhân quyền và tự do, diệt chủng và tội ác chống lại loài người, phân biệt sắc tộc, và đàn áp bản sắc văn hóa, tôn giáo và chính trị ở CHND Trung Hoa,” đặc biệt là ở khu vực phía Tây Tân Cương, Trung Quốc.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa Séc Pavel Fischer cho biết: “Chúng tôi không thể im lặng trong khi chính phủ Trung Quốc thực hiện cuộc đàn áp tàn bạo nhất đối với người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng và các nhóm khác”. Ngài Fischer là đồng chủ tịch IPAC.

Vào ngày 15/6, Quốc hội Bỉ đã thông qua một kiến nghị tuyên bố rằng người Duy Ngô Nhĩ phải đối mặt với “nguy cơ diệt chủng nghiêm trọng” và nói thêm rằng họ là nạn nhân của tội ác chống lại loài người của Trung Quốc.

“Hôm nay Quốc hội Bỉ đã đưa ra cảnh báo cho thế giới”, Samuel Cogoalati, một nghị sĩ Bỉ và đồng chủ tịch IPAC, cho biết trong một tuyên bố. “Không thể có ‘chuyện làm ăn như bình thường’ với Trung Quốc trong khi các trại tù giam giữ người Duy Ngô Nhĩ vẫn mở cửa”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiến hành một chiến dịch đàn áp trên quy mô lớn đối với người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số khác ở Tân Cương. Họ bị giam giữ, lao động khổ sai, tra tấn, cưỡng bức phá thai và cưỡng bức triệt sản. Cuộc đàn áp này đang diễn ra với hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ bị giam giữ trong các trại tập trung.

Thượng viện Séc không phải là cơ quan chính phủ đầu tiên định danh cuộc đàn áp của ĐCSTQ ở Tân Cương là tội ác diệt chủng. Các nghị viện ở Canada, Lithuania, Hà Lan và Vương quốc Anh đều đã đưa ra quyết định tương tự. Vào tháng Giêng, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố các hành động của Bắc Kinh ở Tân Cương là một tội ác diệt chủng.

Động thái của Quốc hội Séc cũng kêu gọi chính phủ Séc “từ chối lời mời tham gia” Thế vận hội mùa đông 2022 tại thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc, nói rằng việc cử vận động viên đến Trung Quốc để thi đấu có thể bị “lạm dụng [bởi Trung Quốc] để hợp pháp hóa sự phân biệt đối xử, bạo lực, và đàn áp các quyền cơ bản.”

“Tôi hy vọng rằng tất cả các quốc gia dân chủ sẽ dùng Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh để biểu lộ sự ghê sợ khủng khiếp của chúng ta trước những gì đang diễn ra ở khu vực người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng. Đây không còn là vấn đề chính trị vụn vặt nữa. Đây là về việc ngăn chặn sự tàn bạo ở quy mô công nghiệp. Bất kỳ nhà lãnh đạo chính trị nào chấp nhận lời mời tham gia Thế vận hội đều có nguy cơ ngầm dung túng cho những lạm dụng này,” ông Fischer nói thêm.

Vào đầu tháng 6, các nhà lập pháp từ Hoa Kỳ, Cộng hòa Séc, Liên minh châu Âu và 8 quốc gia khác đã tuyên bố về nỗ lực phối hợp tẩy chay Thế vận hội 2022 do Trung Quốc vi phạm nhân quyền trên diện rộng.

Tại Hoa Kỳ, cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa trong Quốc hội cũng đồng thanh lên tiếng về việc tẩy chay Olympic.

Chiến dịch phi lợi nhuận Vận động cho người Duy Ngô Nhĩ (CFU) có trụ sở tại Washington đã hoan nghênh việc thông qua kiến nghị của Thượng viện Séc trong một thông cáo báo chí. 

Rushan Abbas, người sáng lập và giám đốc điều hành của CFU, cho biết: “Đây là một dấu hiệu rõ ràng về sự chuyển dịch làn sóng chống lại chủ nghĩa độc đoán của ĐCSTQ và là một sự công nhận rằng chế độ đó đã được lộng hành quá lâu mà không bị trừng phạt.”

Bà nói thêm: “Tôi kêu gọi cộng đồng quốc tế tẩy chay Thế vận hội Bắc Kinh 2022 và nhiều chính phủ phương Tây hơn nữa hãy xác nhận những hành động tàn bạo đang diễn ra đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Đông Turkistan ngày nay”.

Đại hội Duy Ngô Nhĩ Thế giới (WUC), một nhóm vận động có trụ sở tại Munich, đã ra thông cáo báo chí hoan nghênh động thái của Quốc hội Bỉ.

“Điều bắt buộc là các nước khác trong Liên minh châu Âu, cũng như bản thân các thể chế của EU, cần theo bước [Bỉ] và có lập trường vững chắc chống lại những hành động tàn bạo của Trung Quốc, đồng thời ghi nhận chúng là một tội ác diệt chủng,” Chủ tịch WUC Dolkun Isa tuyên bố.

Tiến Minh (theo Epoch Times)

Xem thêm: