Hiệp hội Phát thanh Truyền hình Nhật Bản (NHK) dẫn nguồn tin của quân đội Mỹ cho biết, hôm 26/8 quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào Biển Đông. Quân đội Đài Loan cho biết đã nắm bắt đầy đủ tình hình an ninh và các động thái tập trận quân sự liên quan, và “không bình luận chi tiết”. Đài Loan có Trạm Radar Lạc Sơn tại Ngũ Phong huyện Tân Trúc, là radar cảnh báo sớm tầm xa giúp theo dõi mọi động thái của quân đội Trung Quốc.

p2631331a326218952
Ngày 26/8 Trung Quốc phóng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung ra Biển Đông. Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết quân đội Đài Loan nắm đầy đủ tình hình an ninh ở khu vực eo biển Đài Loan và các cuộc tập trận liên quan (Nguồn:  Military News Agency).

Radar cảnh báo sớm tầm xa của Đài Loan giám sát toàn quá trình

Theo tin từ Thông tấn xã Trung ương Đài Loan (CNA) và Thời báo Tự do (Liberty Times), Hiệp hội Phát thanh truyền hình Nhật Bản dẫn các nguồn tin quân sự Mỹ cho biết, ngày 26/8, Trung Quốc đã phóng tổng cộng 4 tên lửa đạn đạo tầm trung vào Biển Đông. Truyền thông Nhật Bản cho rằng tên lửa do Trung Quốc phóng rơi giữa quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của Việt Nam, hiện đang phân tích về loại tên lửa.

Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết quân đội Đài Loan đã nắm được đầy đủ tình hình an ninh ở khu vực và các cuộc tập trận liên quan, và “không bình luận về các chi tiết.”

Được biết Đài Loan có Trạm Radar Lạc Sơn triển khai tại thôn Ngũ Phong huyện Tân Trúc, là một radar cảnh báo sớm tầm xa với phạm vi phát hiện lên đến 5.000 cây số và phạm vi hiệu quả là 3.000 cây số, có thể phát hiện hiệu quả các động thái của quân ĐCSTQ ngay tại Trung Quốc Đại Lục.

Trước đó, tờ SCMP Hồng Kông dẫn nguồn tin của nhân sĩ trong quân đội ĐCSTQ cho biết, một trong những tên lửa là Dongfeng-26B (DF-26B) được phóng từ Thanh Hải, và tên lửa khác là Dongfeng-21D (DF-21D) được phóng từ Chiết Giang.

p2763631a695665793
Theo thông tin, tên lửa quân đội ĐCSTQ đã phóng bao gồm một tên lửa Dongfeng-26B phóng từ Thanh Hải và một tên lửa Dongfeng-21D phóng từ Chiết Giang. Hình ảnh tên lửa đạn đạo tầm trung Dongfeng-2. (Nguồn: craa22uk / Wikipedia).

Về tầm bắn của Dongfeng-26B là khoảng 4000 cây số, loại tên lửa này có khả năng mang đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân; còn Dongfeng-21D có tầm bắn khoảng 1.800 cây số, cả hai đều được xem là tên lửa đạn đạo chống hạm có khả năng tấn công các mục tiêu lớn và được mệnh danh là “sát thủ diệt hạm”. Theo tìm hiểu và nhận định của SCMP thì ĐCSTQ phóng tên lửa nhằm mục đích phát tín hiệu cảnh báo tới Washington.

Nói về việc này, Phó Chủ tịch kiêm Người phát ngôn của Ủy ban Đại Lục Đài Loan (MAC), ông Khâu Thùy Chính (Chiu Chui-cheng) cho biết, Bộ Quốc phòng Đài Loan đã giải thích với thế giới bên ngoài về những phát triển quân sự gần đây của ĐCSTQ, cũng theo dõi chặt chẽ những diễn biến của tình hình liên quan. Đài Loan tin rằng duy trì hòa bình trên eo biển là trách nhiệm chung của cả hai bên. Các cuộc tập trận quân sự thường xuyên gần đây của ĐCSTQ và việc tăng cường tuyên truyền nhằm đe dọa Đài Loan, vốn đã làm gia tăng căng thẳng giữa hai bên eo biển và khu vực, cũng đã làm dấy lên sự phẫn nộ của người dân Đài Loan và sự nghi ngờ của cộng đồng quốc tế. Đài Loan kêu gọi chính quyền Bắc Kinh không đánh giá sai tình hình và cố tình khiêu khích, Đài Loan có niềm tin và quyết tâm vững chắc để bảo vệ chủ quyền quốc gia và một lối sống tự do, dân chủ.

 

Nội bộ Đài Loan tranh cãi về phát ngôn của ông Mã Anh Cửu

Trong một bài phát biểu gần đây, cựu Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu đã đề cập rằng nếu Trung Quốc xâm lược Đài Loan thì e rằng “trận chiến đầu tiên cũng là trận chiến kết thúc”. Nhưng ngày 26/8, ông Mã Anh Cửu giải thích lại rằng đó là một báo cáo do Bộ Quốc phòng Đài Loan đệ trình, không phải tuyên bố của ông. Ông chỉ muốn nhắc nhở Tổng thống Thái Anh Văn nên tránh để xảy ra chiến tranh, vì khi nổ ra chiến tranh có thể đã quá muộn…

Đáp lại tuyên bố của ông Mã Anh Cửu, tại một cuộc họp báo thường kỳ, ông Khâu Thùy Chính cho biết rằng ông Mã Anh Cửu đã thông qua cái gọi là “trận chiến đầu tiên là trận chiến kết thúc” để đe dọa Đài Loan chấp nhận “Đồng thuận 1992”, xem nhẹ sức mạnh và tinh thần quyết tâm bảo vệ an ninh quốc gia của Đài Loan.

Ông Khâu Thùy Chính nhấn mạnh rằng cựu Tổng thống Mã Anh Cửu tin rằng “Đồng thuận 1992” có thể tránh được chiến tranh, nhưng “Điều 5 Tập Cận Bình” của ĐCSTQ nêu rõ rằng “Đồng thuận 1992 là nguyên tắc một Trung Quốc”; “Đồng thuận 1992” theo đuổi sự thống nhất, chưa bao giờ chấp nhận “một Trung Quốc, mỗi người một bàn”, không có không gian tồn tại cho Trung Hoa Dân Quốc (tức Đài Loan). Hiện 90% dư luận chính thống của Đài Loan đã kiên quyết phản đối “một quốc gia, hai chế độ”, chúng tôi tin rằng vấn đề này là không thể nhân nhượng, người dân Đài Loan phải nhận ra rằng thực chất của cuộc khủng hoảng eo biển Đài Loan nằm ở sự bành trướng bá quyền của Bắc Kinh và tham vọng xâm lược Đài Loan.

Ông cho rằng việc ông Mã Anh Cửu chất vấn và lên án hành động của chính quyền Bắc Kinh đã rơi vào bẫy tư duy chính trị của Mặt trận Thống nhất ĐCSTQ, là điều rất nguy hiểm. Dư luận chính thống Đài Loan kiên quyết phản đối “một quốc gia, hai chế độ” và sự tấn công nhắm vào Đài Loan của Bắc Kinh. Chính phủ Đài Loan cũng đã làm tốt công tác an ninh quốc gia và sẵn sàng đối mặt với những thách thức.

Về vấn đề này, ngày 26/8, ông Chủ tịch Giang Khải Thần (Johnny Chiang) của Quốc dân Đảng Đài Loan cũng phản ứng về tranh cãi trong lập luận “trận chiến đầu tiên là trận chiến kết thúc”. Ông Giang Khải Thần nói rằng một xã hội dân chủ chất vấn người nắm quyền là điều bình thường, người nắm quyền có trách nhiệm trả lời, và không nên cố tình bêu xấu những người cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.

Đáp lại, trong một thông cáo báo chí vào tối 26/8, người phát ngôn Nghiêm Nhược Phương (Ruoh-Fang Yen) của đảng Dân tiến Đài Loan cho biết, khi ông Giang Khải Thần nhậm chức Chủ tịch Quốc dân đảng đã thề sẽ thúc đẩy cải cách Đảng và xem xét lại vấn đề hai bờ eo biển, nhưng sau khi chịu phản đối từ những tiền bối bảo thủ trong Đảng mà tiêu biểu như cựu chủ tịch Mã Anh Cửu, Liên Chấn, Ngô Duy Nghĩa…, thì lập tức thay đổi thái độ. Vào năm 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác định rõ ràng “Đồng thuận 1992” là một Trung Quốc, tức là cần loại bỏ “một quốc gia, hai chế độ” đối với Đài Loan, nhưng ông Giang Khải Thần lại ủng hộ đề xuất của Mã Anh Cửu.

Bà Nghiêm Nhược Phương cho biết tháng 6/2020, “Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế” (International Crisis Group) mà ông Mã Anh Cửu yêu thích đã đưa ra cảnh báo trong báo cáo quan sát, chỉ ra nguyên nhân thực sự là các hoạt động quân sự của Trung Quốc đã gia tăng đáng kể, chẳng hạn như việc ngày càng có nhiều máy bay quân sự khiêu khích xung quanh Đài Loan, không chỉ gây căng thẳng ở eo biển Đài Loan mà còn công khai phá hoại một cách trắng trợn sự ổn định của khu vực. Ông Mã Anh Cửu và Giang Khải Thần đã phớt lờ sự thực về việc Bắc Kinh đơn phương phá hoại sự ổn định khu vực, họ cũng không muốn và không dám lên án, ngược lại chỉ trích sự kiên định của người dân Đài Loan trong bảo vệ chủ quyền và tự do dân chủ. Hành vi đứng về phía đối lập với xu hướng dân chủ quốc tế không chỉ gây ấn tượng “Quốc Dân Đảng là chính đảng hèn kém trước ĐCSTQ” trong cộng đồng quốc tế, mà còn càng khó nhận được sự đồng tình của dư luận chính thống trong xã hội Đài Loan.

Lư Ất Hân

Xem thêm: