Cơ quan Năng lượng hạt nhân Hungary vừa cấp giấy phép xây dựng cho Công ty Rosatom của Nga để xây dựng 2 nhà máy hạt nhân tại nước này trong bối cảnh các quốc gia châu Âu khác cấm vận năng lượng đối với Moscow, theo bản tin của Reuters.

lò phản ứng hạt nhân nhà máy phản ứng hạt nhân 1903568902
Tuy là quốc gia thuộc EU và gia nhập NATO từ sớm nhưng Hungary duy trì mối quan hệ thân cận với Moscow. (Ảnh minh họa: Stefan_Sutka/Shutterstock)

Moscow và Budapest đã ký một thỏa thuận về dự án này vào năm 2014, nhưng một loạt sự chậm trễ đã xảy ra khiến việc xây dựng nhà máy trở nên lấp lửng, trong đó đặc biệt có cuộc chiến tranh xâm lược vào Ukraine của Nga.

Hungary hiện đang duy trì một nhà máy hạt nhân ở Paks, được xây dựng với sự trợ giúp của Nga trong thời kỳ Xô Viết.

Cơ sở này có 4 lò phản ứng với công suất 2 Gigawatt/lò, nhưng kế hoạch của Hungary nhằm mục đích mở rộng công suất của nhà máy thêm hai lò phản ứng VVER do Nga sản xuất, mỗi lò có công suất 1,2 Gigawatt.

Do đó, Cơ quan Năng lượng hạt nhân Hungary đã cấp phép xây dựng cho Công ty Rosatom của Nga để xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân mới tại một cơ sở hiện có ở nước này.

Quốc gia Trung Âu này là thành viên của cả Liên minh châu Âu (gia nhập EU năm 2004) và NATO (gia nhập năm 1999) nhưng lại duy trì mối quan hệ chặt chẽ hơn với Moscow so với hầu hết các nước láng giềng.

Năng lượng hạt nhân vẫn là một trong số ít các ngành công nghiệp của Nga chưa phải chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã bảo đảm về nhiệm kỳ thứ tư vào tháng 4 vừa qua. Ông Orban và đảng của ông vẫn là đồng minh trung thành của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Orban đã chỉ trích nặng nề cả EU và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, người mà ông gọi là “đối thủ”.

Khi hầu hết châu Âu đang áp đặt các lệnh trừng phạt vì cuộc xâm lược vào Ukraine, Hungary dường như đang tiến gần hơn đến Moscow để đáp ứng nhu cầu năng lượng của quốc gia này.

Các nước châu Âu đã tìm kiếm các nguồn năng lượng không phải của Nga trong bối cảnh chiến tranh đang diễn ra, đặc biệt là Đức dù vẫn phụ thuộc năng lượng nhiều vào Điện Kremlin.

Công ty năng lượng Gazprom của Nga tuyên bố sẽ ngăn chặn dòng khí đốt tự nhiên đến Đức từ ngày 30/8 đến ngày 2/9 để tiến hành bảo trì, một động thái sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng khủng hoảng năng lượng của Đức và một số nước châu Âu.

Nhất Tín, theo Reuters và Justthenews.