Một bản sao của dự thảo kế hoạch bị rò rỉ tới truyền thông quốc tế cho thấy Trung Quốc muốn can dự hơn nữa vào an ninh, kinh tế tại các đảo quốc Thái Bình Dương.

Embed from Getty Images

Văn bản có tiêu đề “tầm nhìn phát triển toàn diện” của Trung Quốc đã bị rò rỉ tới các hãng tin AFPThe Guardian hôm thứ Tư (25/5). Tài liệu dự thảo này vạch ra các đề xuất hỗ trợ của Trung Quốc cho 10 đảo quốc nhỏ trên Thái Bình Dương. Ngoài hàng triệu USD viện trợ kinh tế, các đề xuất khác của Bắc Kinh cũng sẽ cho phép các quốc gia Thái Bình Dương được tiếp cận lớn hơn vào thị trường khổng lồ của Trung Quốc và tăng cường hợp tác an ninh, chẳng hạn như cho phép Bắc Kinh huấn luyện lực lượng cảnh sát địa phương.

Văn bản bị rò rỉ trùng với thời điểm Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm các quốc đảo Thái Bình Dương trong tuần này. Theo AFP, trong chuyến thăm kéo dài 10 ngày này, ông Vương Nghị sẽ thảo luận về các đề xuất của Bắc Kinh đã vạch ra trong tài liệu dự thảo bị rò rỉ.

Cũng theo AFP, Trung Quốc hy vọng thỏa thuận hợp tác sẽ được 10 đảo quốc Thái Bình Dương ký tại Fiji vào tuần tới khi ông Vương Nghị chủ trì cuộc họp các ngoại trưởng Trung Quốc – Thái Bình Dương lần thứ hai.

Trước đó, hồi tháng Tư, Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã ký hiệp định an ninh song phương. Chính phủ Úc và một số đồng minh phương Tây của Úc đã kịch liệt lên án hiệp định này.

>>ĐCSTQ ký thỏa thuận hợp tác an ninh với Solomon gây lo ngại

Chính phủ Úc tân cử của Đảng Lao động đã lên tiếng cam kết sẽ “tăng cường” sự hiện diện của Úc tại Thái Bình Dương. Tân Ngoại trưởng Penny Wong cũng tới thăm Fiji trong tuần này để họp với thủ tướng của nước chủ nhà.

Bà Penny Wong đã phát đi tuyên bố phản ứng với tin tức về bản dự thảo của Trung Quốc bị rò rỉ, bà viết: “Trung Quốc đã đang làm rõ ý định của họ, nhưng chính phủ mới của Úc cũng có ý định như thế”.

Thủ tướng Fiji Frank Bainimarama viết trên Twitter rằng ông sẽ gặp bà Penny Wong vào thứ Sáu (27/5) và gặp ông Vương Nghị vào thứ Hai (30/5).

Tôi đã được hỏi về nghị trình của Fiji. Trên bàn đàm phán, những thứ quan trọng nhất là người dân của chúng ta và hành tinh của chúng ta, cũng như tôn trọng luật pháp quốc tế”, ông Frank Bainimarama tuyên bố.

Tân Thủ tướng Úc Anthony Albanese khi nói đến tin tức rò rỉ về bản dự thảo của Trung Quốc đã khẳng định rằng Úc “cần phản ứng”. Ông cam kết thúc đẩy chi tiêu 350 triệu USD cho an ninh và cơ sở hạ tầng tại Thái Bình Dương.

Đây là Trung Quốc đang tìm cách gia tăng ảnh hưởng tại khu vực mà Úc đã đang là đối tác an ninh được lựa chọn từ Thế chiến II”, ông Albanese nói.

Mỹ cũng đã đưa ra cảnh báo các quốc gia Thái Bình Dương không nên ký kết các thỏa thuận “mờ ám” với Trung Quốc.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố rằng các quốc gia Thái Bình Dương “có thể đã bị đàm phán trong tiến trình vội vàng, không minh bạch”.

Hải Đăng