Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Robert O’Brien cho biết Hoa Kỳ đang xem xét “thêm các biện pháp để đáp trả” sau vụ bắt giữ hơn 50 nhân vật ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông.

Embed from Getty Images

Trong một thông báo vào ngày 11/1, Ông O’Brien cho biết vụ bắt giữ “mang tính chính trị hóa” hồi tuần trước tại Hồng Kông là “cái đinh mới nhất trong nhiều cái đinh liên tiếp mà Bắc Kinh đã đóng vào quan tài của nền dân chủ Hồng Kông”.

Tổng cộng 53 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ tại Hồng Kông đã bị bắt vào ngày 6/1, hành động bắt giữ lớn nhất kể từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật An ninh Quốc gia hà khắc lên Đặc khu này, vốn chỉ mới có hiệu lực hơn sáu tháng trước.

Hầu hết những người bị bắt đều đã tham gia vào một cuộc bầu cử sơ bộ không chính thức do phe dân chủ tổ chức để lựa chọn những ứng cử viên ủng hộ dân chủ tham gia tranh cử trong cuộc bầu cử Hội đồng Lập Pháp dự định diễn ra vào tháng 9/2020, nhưng cuộc bầu cử lập pháp này đã bị Đặc khu trưởng Hồng Kông Carrie Lam hoãn lại một năm với lý do COVID-19 bùng phát trở lại. Giới chức trách Hồng Kông cáo buộc cuộc bầu cử sơ bộ là một phần trong âm mưu giành quyền kiểm soát cơ quan lập pháp nhằm làm tê liệt chính phủ và buộc lãnh đạo đặc khu phải từ chức.

Ngày 10/1, trong một tuyên bố chung, Úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đã lên tiếng “quan ngại nghiêm trọng” về vụ bắt giữ. Chính phủ các nước này cho biết luật an ninh quốc gia đã “vi phạm rõ ràng” Tuyên bố chung Trung – Anh và “đang được sử dụng để loại bỏ bất đồng chính kiến và những quan điểm chính trị đối lập”.

Tuyên bố chung Trung – Anh được xem là hiệp ước năm 1984 quy định các nguyên tắc trao lại Hồng Kông từ Anh cho Trung Quốc, Bắc Kinh đã hứa dành cho cư dân Đặc khu quyền tự trị và các quyền tự do mà các công dân Trung Quốc tại Đại lục không được hưởng, theo một khuôn khổ được gọi là “một quốc gia, hai chế độ”.

Tuần trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết chính quyền Hoa Kỳ sẽ xét “các biện pháp trừng phạt và các hạn chế khác” đối với các quan chức Hồng Kông và Trung Quốc liên quan đến vụ bắt giữ. Trước đó Hoa Kỳ đã áp đặt các biện pháp  trừng phạt đối với gần 30 quan chức Hồng Kông và Trung Quốc chịu trách nhiệm phá hủy các quyền tự do của Đặc khu.

Trong số những người bị bắt vào tuần trước có nhiều cựu nhà lập pháp, các nhà hoạt động địa phương, và các chính trị gia, cũng như luật sư nhân quyền John Clancey, vốn là một công dân Mỹ. Cảnh sát cũng đã đột kích vào công ty luật của ông, công ty Ho, Tse, Wai & Partners. Theo truyền thông Hồng Kông, ông Clancey sau đó đã được tại ngoại.

Ông O’Brien cũng chỉ trích cách xử lý đại dịch virus corona của chế độ cộng sản Trung Quốc. 

Ông nói: “Trong tháng 5, chính quyền Mỹ đã yêu cầu Bắc Kinh trả lời về nguồn gốc của virus và cáo buộc Tổ chức Y tế Thế giới giúp đỡ ĐCSTQ che đậy đại dịch bằng cách trì hoãn công bố. Giống như việc Trung Quốc đã phớt lờ nghĩa vụ quốc tế của mình theo Tuyên bố chung Trung – Anh, họ tiếp tục làm như vậy với các Quy định Y tế Quốc tế.”

Chính quyền Tổng thống Trump đã nhiều lần yêu cầu Bắc Kinh minh bạch nhiều hơn các vấn đề liên quan đến đại dịch virus corona, và chỉ trích sự che giấu ban đầu của ĐCSTQ về đại dịch là nguyên nhân gây ra sự lây lan căn bệnh này trên khắp toàn cầu. Năm ngoái, Hoa Kỳ đã rút khỏi Tổ chức Y tế Thế giới để phản đối sự dung túng của tổ chức này đối với Bắc Kinh.

Ông O’Brien nói: “Hoa Kỳ là quốc gia lớn đầu tiên có can đảm và niềm tin để thẳng thắn chỉ ra bản chất thực sự của chế độ cộng sản Trung Quốc. Điều quan trọng là các quốc gia trên khắp thế giới yêu cầu Bắc Kinh có trách nhiệm giải trình.”

“Thế giới không thể tiếp tục trả một cái giá quá đắt cho sự ngây thơ của đồng lõa của mình với những hành vi vô trách nhiệm và gây tai hại của Bắc Kinh, cho dù đó là việc họ (ĐCSTQ) đang chấm dứt chế độ pháp quyền tại Hồng Kông hay việc họ không hợp tác với các quan chức y tế về đại dịch. Hoa Kỳ đang xem xét thêm nhiều biện pháp để đáp trả.”

Gia Huy (Theo The Epoch Times)

Xem thêm: