Tỷ lệ tội phạm ở San Francisco đứng trong top những thành phố hàng đầu của Mỹ, theo thống kê, ở San Francisco, cứ 20 người thì có 1 người là nạn nhân. Trong tình huống cảnh sát đang nỗ lực thực thi pháp luật và cơ quan công tố lại dung túng tội phạm, cảnh sát trưởng Bill Scott nói: “Chúng tôi không muốn cảnh sát trở thành dê thế tội cho chính trị.”

Gate Chinatown San Francisco CA USA
Khu phố Tàu ở San Francisco, Mỹ (Ảnh: dewet/ Flickr/CC BY-SA 2.0)

Trang web NeighborhoodScout đã căn cứ vào số liệu thống kê tội phạm năm 2020 do FBI công bố và tiến hành thống kê lại, kết quả cho thấy cứ mỗi 1.000 người ở San Francisco thì có khoảng 51 người là nạn nhân của tội phạm bạo lực hoặc tội phạm tài sản. Con số này khiến San Francisco trở thành một trong những thành phố có có tỷ lệ tội phạm cao nhất nước Mỹ, tỷ lệ này cao hơn  97% các nơi khác ở California.

Về phương diện tội phạm bạo lực, chẳng hạn như cướp có vũ khí, tấn công, cưỡng hiếp hoặc giết người, cứ mỗi 1.000 người thì có khoảng 6 người là nạn nhân, cao hơn gấp đôi so với toàn nước Mỹ; về phương diện tội phạm tài sản, chẳng hạn như đột nhập vào nhà trộm cắp, trộm trên 50 USD, trộm xe cơ giới và đốt phá, thì cứ mỗi 1.000 người thì có khoảng 45 người là nạn nhân, nhiều hơn cả tiểu bang California cộng lại và gấp đôi so với toàn nước Mỹ.

Ngoài ra, San Francisco có tỷ lệ tội phạm cao nhất trên toàn nước Mỹ liên quan đến trộm cắp phương tiện cơ giới, cứ 146 người thì có 1 người bị trộm xe.

Thị trưởng London Breed mong muốn khách du lịch quay trở lại San Francisco, vấn đề trị an trở thành mối lo

Trong thời gian xảy ra đại dịch, trên mạng truyền thông xã hội tràn ngập video về tội phạm ở San Francisco. Ví dụ: những tên trộm đập vỡ cửa kính ô tô để trộm giữa ban ngày và cướp hàng hóa trên kệ cửa hàng, các băng nhóm tội phạm cướp sạch cơ sở kinh doanh, cửa hàng thời trang cao cấp, v.v. Cộng thêm tình trạng buôn bán ma túy tràn lan ở quận Tenderloin và cái chết của những người vô gia cư do dùng ma túy quá liều trên đường phố, không chỉ khiến người dân địa phương hoảng sợ mà còn khiến du khách nản lòng, gây tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của San Francisco.

Để vực dậy nền kinh tế du lịch sau đại dịch, tuần trước, Thị trưởng San Francisco, bà London Breed đã dẫn đầu các quan chức Cục Du lịch đến thăm châu Âu trong 10 ngày, nhằm quảng bá du lịch San Francisco tới những người đứng đầu thành phố và các công ty hàng không ở Anh, Pháp và Đức.

Cảnh sát trưởng Scott: Làm điều đúng đắn, không muốn trở thành dê thế tội chính trị

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây với tờ San Francisco Examiner, Cảnh sát trưởng Scott nói rằng khi đối mặt với bà Breed, người đang cố gắng trấn áp tội phạm, và Biện lý quận – ông Chesa Boudin, người kết án nhẹ và dung túng tội phạm,  “Tôi sẽ làm những gì tôi nghĩ là đúng đắn.”

Về việc ông Chesa Boudin có ý chính trị hóa mối quan hệ công tố và cảnh sát, và cả áp lực bị miễn nhiệm khi đối kháng lại, ông Scott đáp lại: “Tôi không muốn cảnh sát trở thành dê thế tội cho chính trị.”

Về việc làm thế nào để cải thiện vấn nạn lạm dụng ma túy ở khu Tenderloin, ông Scott cho rằng bỏ tù không phải là cách duy nhất, nhưng nó có thể kiềm chế hành vi của những kẻ buôn bán ma túy ở một mức độ nhất định.

Ông nói: “Năm ngoái, chúng tôi đã bắt giữ gần 500 người, và thời gian ngồi tù trung bình là khoảng 5 ngày. Không phải là tôi đang chỉ trích công tố hoặc tòa án, nhưng thời gian giam giữ đúng là đã giảm xuống.”

Ông cho rằng phải có chế độ truy cứu trách nhiệm ở mức độ nhất định khi đối mặt với những kẻ buôn bán ma túy và tái phạm khi bằng chứng đã chắc chắn.

Dự luật 47 hứng nhiều chỉ trích

Gần đây bà Anne Marie Schubert, người tham gia tranh cử Tổng chưởng lý tiểu bang California, đã chỉ trích cuộc cải cách tư pháp hiện nay.

Bà trích dẫn Dự luật 47, biến trọng tội thành tội nhẹ; Dự luật 57, cho phép thả sớm cái gọi là “tội phạm phi bạo lực”. Bà cho rằng những đề xuất dự luật này đã gây nguy hiểm cho California, đặc biệt là tội phạm tình dục đối với trẻ em, bắt cóc và hiếp dâm, v.v., cho phép nhiều kẻ vi phạm pháp luật nguy hiểm được trả tự do trước.

Bà Anne Marie Schubert cho biết, đương nhiệm Tổng chưởng lý bang California – ông Rob Bonta, Trưởng công tố Los Angeles – ông George Gascon và Chưởng lý hạt San Francisco – ông Chesa Boudin, đều ủng hộ việc bảo lãnh 0 đồng (zero dollar bail) và trả tự do sớm cho tội phạm, hoàn toàn không quan tâm đến cảm xúc của các nạn nhân.

Bà nói: “Trong 8 – 10 năm qua, chúng ta đã từ bỏ quyền và lợi ích của nạn nhân, từ bỏ các chính sách an toàn công cộng tốt, tất cả đều nhân danh cái được gọi là ‘cải cách hệ thống tư pháp hình sự’.”

Đầu tháng này, 15 thượng nghị sĩ và dân biểu California đã đưa ra đề án AB 1599 bãi bỏ Dự luật 47, nhưng đề án này đã bị Ủy ban An toàn Công cộng của Hạ viện tiểu bang phủ quyết.

Tác giả của đề án là ông Kevin Kiley, Dân biểu Khu vực số 6 của California. Ông cho rằng Dự luật 47 đã biến California thành thiên đường của tội phạm, nơi các băng nhóm tội phạm cướp phá tập thể, nhưng cơ quan thực thi pháp luật lại bất lực.

Vào năm 2021, một loạt các vụ đập phá và cướp bóc nhắm vào các cửa hàng có sản phẩm nổi tiếng bắt đầu xuất hiện ở San Francisco, và đề án SB 82 định nghĩa lại hành vi trộm cướp được đề xuất bởi đại diện của phe ảnh hưởng tư tưởng cực tả đã bị thất bại; hiện tại, đại diện của “phe tiến bộ” như ông Chesa Boudin (Biện lý quận San Francisco, Bắc California) và ông George Gascon (Trưởng công tố Los Angeles, Nam California), đang đối mặt với các cuộc bầu cử bãi nhiệm.