Khoảng 5h sáng nay (giờ Việt Nam), Reuters cho biết số người thiệt mạng do trận động đất khủng khiếp đã lên đến hơn 22.327 ở Thổ Nhĩ Kỳ và hơn 3.500 ở Syria. Khả năng tìm kiếm thêm người sống sót vô cùng mỏng manh.

dong dat 2
Động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. (Ảnh chụp màn hình video)

Hình ảnh đất nứt ra do động đất, sâu 30 mét, rộng 220 mét (thông tin trên mạng xã hội, chưa được kiểm chứng):

Các lực lượng cứu hộ kiệt sức nhưng vẫn đang cố gắng cứu những ai còn sống sót dù đã ngày càng ít khỏi đống đổ nát sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Năm ngày sau thảm họa khủng khiếp này, số người tử vong đã lên tới gần 26.000, và dường như sẽ còn tăng cao hơn nữa.

Một số hoạt động cứu hộ đã bị can nhiễu và dừng lại sau các báo cáo về cướp bóc.

Video phóng sự và tường thuật tổng hợp và mới nhất về trận động đất khủng khiếp này của Sky News:

Trước những câu hỏi về cách xử lý trận động đất kinh hoàng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939, Tổng thống Tayyip Erdogan hứa sẽ bắt đầu xây dựng lại trong vòng vài tuần sau khi ông cho biết hàng trăm ngàn tòa nhà đã bị phá hủy.

Ở Syria, thảm họa ảnh hưởng nặng nề nhất ở vùng tây bắc do phiến quân kiểm soát, khiến nhiều người mất nhà cửa lần thứ hai sau khi phải di dời do cuộc nội chiến đang diễn ra.

Ở thành phố Antakya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ, những chiếc túi đựng xác nằm la liệt trên đường phố và người dân đeo mặt nạ để chống mùi chết chóc khi họ tham gia cùng lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được một số tòa nhà.

“Hỗn loạn, đổ nát và thi thể ở khắp nơi,” một người trong nhóm đã làm việc suốt đêm để cố gắng tiếp cận một giáo viên đại học đang cầu cứu từ đống đổ nát.

Nhưng đến sáng, bà ấy đã ngừng trả lời.

Ở Kahramanmaras, gần tâm chấn ở Thổ Nhĩ Kỳ, có ít hoạt động cứu hộ hơn giữa những đống bê tông của những ngôi nhà và khu chung cư đã sụp đổ.

Nhưng tại một tòa nhà, lực lượng cứu hộ chui qua các tấm bê tông để tiếp cận một bé gái 5 tuổi vẫn còn sống, đặt bé lên cáng, bọc trong giấy bạc và hô vang “Ơn Chúa vĩ đại!”

Chỉ một số không nhiều người khác đã được cứu ra như vậy vào thứ Bảy.

Hai tổ chức cứu hộ của Đức đã đình chỉ công việc, và nói đến các báo cáo về các cuộc đụng độ giữa các nhóm người và tiếng súng.

Một đội của Áo cũng bị tạm ngừng hoạt động trong thời gian ngắn.

“Trấn lột mang theo dao”

Gizem là một nhân viên cứu hộ đến từ tỉnh Sanliurfa phía đông nam. Cô nói đã nhìn thấy những kẻ cướp bóc ở Antakya. “Chúng tôi không thể can thiệp nhiều vì hầu hết những kẻ trấn lột mang theo dao,” cô kể.

Cảnh sát và binh lính đã có mặt vào thứ Bảy để giữ trật tự, đồng thời hỗ trợ giao thông, cứu hộ và phân phát thực phẩm.

Thổ Nhĩ Kỳ cho biết khoảng 80.000 người đang ở trong bệnh viện, với hơn 1 triệu người ở nơi trú ẩn tạm thời.

Bên ngoài Antakya, các công nhân tại một hố chôn tập thể đã hạ các túi đựng xác xuống một cái rãnh mới đào, nơi một máy đào đất lấp chúng lại. Khoảng 80 bao tải chờ chôn cất.

Những ngôi mộ mới cũng bao phủ một sườn đồi bên ngoài Gaziantep, một số được đánh dấu bằng hoa hoặc cờ Thổ Nhĩ Kỳ nhỏ tung bay trong gió. Một người phụ nữ khóc nức nở bên cạnh một trong những ngôi mộ khi một cậu bé cố gắng an ủi cô.

Những người sống sót hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bệnh tật, khi các cơ sở hạ tầng cơ bản đã bị phá hủy.

“Nếu không chết ở đây dưới đống đổ nát, thì vẫn có thể chết vì vết thương, chết vì nhiễm trùng. Không có nhà vệ sinh ở đây. Đó là một vấn đề lớn,” nhân viên cứu hộ Gizem nói.

Giám đốc viện trợ của Liên Hợp Quốc Martin Griffiths mô tả trận động đất là sự kiện tồi tệ nhất trong 100 năm qua trong khu vực. Ông ca ngợi phản ứng của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông nói rằng kinh nghiệm của ông cho thấy người dân ở các vùng thảm họa nói chung luôn tỏ ra thất vọng sớm trong các nỗ lực cứu trợ.

Ông dự đoán số người chết ít nhất sẽ tăng gấp đôi.

Thảm họa xảy ra khi Tổng thống Erdogan chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc gia dự kiến ​​vào tháng 6. Danh tiếng của ông đã giảm khi chi phí sinh hoạt tăng cao và đồng tiền Thổ Nhĩ Kỳ lao dốc.

Ngay cả trước trận động đất, cuộc bỏ phiếu đã được coi là một thách thức khó khăn nhất của ông Erdogan trong hai thập kỷ cầm quyền. Sau sau thảm họa này, ông đã kêu gọi đoàn kết và lên án chính trị “tiêu cực.”

Người dân trong khu vực động đất và các chính trị gia đối lập đã cáo buộc chính phủ cứu trợ chậm và không đầy đủ ngay từ đầu và những người chỉ trích cho rằng quân đội, vốn đóng vai trò chính sau trận động đất năm 1999, đã không tham gia đủ nhanh.

Ông Erdogan đã thừa nhận một số vấn đề, đáng chú ý là việc viện trợ cho một khu vực nơi các tuyến giao thông bị hư hại, nhưng cho biết tình hình sau đó đã được kiểm soát.

Các chất vấn cũng bắt đầu được đặt ra về độ vững chắc của các tòa nhà. Các công tố viên bang ở Adana đã ra lệnh giam giữ 62 người trong cuộc điều tra về các tòa nhà bị sập, trong khi các công tố viên tìm cách bắt giữ 33 người ở Diyarbakir vì lý do tương tự, hãng thông tấn nhà nước Anadolu đưa tin.

Một trong những thảm họa khủng khiếp nhất thế kỷ

Trận động đất mạnh 7,8 độ richter hôm thứ Hai, với một số dư chấn mạnh trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, được coi là thảm họa thiên nhiên nguy hiểm thứ 7 trên thế giới trong thế kỷ này, gần bằng con số 31.000 người thiệt mạng trong trận động đất ở nước láng giềng Iran năm 2003.

Với số người chết cho đến nay là 22.327 người bên trong Thổ Nhĩ Kỳ, đây là trận động đất gây chết người nhiều nhất ở nước này kể từ năm 1939. Hơn 3.500 người đã chết ở Syria, nơi con số thiệt hại chưa được cập nhật kể từ thứ Sáu.

Ở vùng tây bắc do phe đối lập nắm giữ, đó là nơi đã từng có ấn tượng ác mộng đối với nhiều người sau một lần bị nhổ bật gốc do chiến tranh.

“Ngày đầu tiên chúng tôi ngủ ngoài đường. Ngày thứ hai chúng tôi ngủ trong ô tô. Sau đó, chúng tôi ngủ ở nhà người khác,” Ramadan Sleiman, 28 tuổi, người có gia đình chạy trốn khỏi miền đông Syria đến thị trấn Jandaris, nơi có tình trạng tồi tệ cho biết.

Tại thành phố Aleppo do chính phủ kiểm soát ở Syria, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus đã mô tả thảm họa này thật đau lòng khi ông giám sát việc phân phát hàng cứu trợ và hứa hẹn nhiều hơn nữa.

Một chuyến hàng viện trợ của Ý dành cho các khu vực do chính phủ kiểm soát ở Syria đã cập bến Beirut, phái viên của Ý tại Damascus cho biết, trong đợt hỗ trợ động đất đầu tiên của châu Âu dành cho chính phủ.

Các quốc gia phương Tây phần lớn xa lánh Tổng thống Bashar al-Assad trong cuộc chiến bắt đầu vào năm 2011.

Theo truyền thông nhà nước Syria, vùng tây bắc nhận được rất ít viện trợ, so với hàng chục chuyến máy bay đã đến các khu vực do Chính phủ Syria nắm giữ — nhiều người trong số họ đến từ các nước Ả Rập, Nga, Iran, Ấn Độ và Bangladesh.

Thiên Đức