Sau khi cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bị ám sát thiệt mạng (hôm 8/7), Chính phủ Thủ tướng Kishida rất nhanh chóng bố trí cho Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (William Lai) đến viếng ông Abe. Động thái này đã khiến Chính phủ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phản đối mạnh mẽ.

Lại Thanh Dức dự tang ông Abe
Ngày 12/7/2022, Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức đã đến dự lễ tang của cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại chùa Zojoji – Tokyo. (Nguồn: Ảnh chụp màn hình video)

Chia sẻ trên truyền thông Đài Loan, nhà bình luận chính trị Hồ Trung Tín (Hu Zhongxin) cho biết, chuyến đi của ông Lại Thanh Đức đến Nhật Bản đã được hoàn tất trong vòng 72 giờ.  Dù Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng chuyến đi của Phó Tổng thống Lại Thanh Đức là hoàn toàn riêng tư, trong khi phía Đài Loan cũng rất kín tiếng, như cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger nói “Ngoại giao nên thực hiện kín đáo, sau sự kiện mới công khai”. Tuy nhiên, cần lưu ý chuyện này lại không do truyền thông Đài Loan “lăng xê” mà là do truyền thông Nhật Bản, vấn đề cho thấy quan hệ Đài Loan – Nhật Bản gần gũi như thế nào.

Ông tin rằng sự việc này minh chứng 2 điều: Một là vấn đề của Đài Loan cũng là vấn đề ở Nhật Bản, cho thấy chính sách đối ngoại của ông Abe đã trở thành xu hướng chủ đạo trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản; Hai là một lần nữa chứng minh vị trí chiến lược, các giá trị dân chủ và tầm quan trọng của chuỗi sản xuất chất bán dẫn của Đài Loan, đặc biệt là chất bán dẫn khiến Đài Loan trở thành một vị trí then chốt rất quan trọng đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Chuyên gia truyền thông Huang Wei-Han của Đài Loan tiết lộ, “Chính người trong gia đình ông Abe là bên đưa ra quyết định mời ông Lại Thanh Đức, sau khi quyết định đã báo cho Thủ tướng Fumio Kishida và ông Kishida cũng lập tức đồng ý. Vì vậy, thị thực của Phó Tổng thống Đài Loan nhanh chóng được cấp giúp ông ấy có thể lập tức đến Nhật Bản để chia buồn”.

Ông Huang Wei-Han cũng nhấn mạnh, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức không có ý định kích động Trung Quốc, bởi vì ông đã không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào từ khi nhận được lời mời đến khi hoàn thành chuyến thăm chia buồn và trở về Đài Loan, tất cả đều diễn ra âm thầm. Về mặt thị thực cũng được phía Nhật Bản xử lý hợp lý chỉ trong vài giờ. Nếu sự việc do Bộ Ngoại giao dàn xếp thì ông Lại sẽ không bao giờ có thể đi được qua chuyến bay dân dụng, điều này cũng khẳng định rằng ông ấy thực sự là người bạn thân của gia đình ông Abe.

Về lý do tại sao trong đám tang của ông Abe, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản phải xếp hàng nhưng ông Lại Thanh Đức lại có thể đi thẳng vào tang lễ, ông Huang Wei-Han cho rằng đó là vì vai trò của ông Lại Thanh Đức như là “người thân và bạn bè” chứ không phải là quan chức đặc phái viên, điều đó cũng cho thấy thêm tình cảm nồng ấm giữa Đài Loan và Nhật Bản là như thế nào.

Tờ Liberty Times Đài Loan dẫn lời chuyên gia Tung Li-wen của tổ chức cố vấn Đài Loan, nói rằng việc Chính phủ Kishida đồng ý trong chuyện ông Lại Thanh Đức đến Nhật Bản cho thấy “ba hằng số”: Với Nhật Bản là cho thấy Thủ tướng đương nhiệm Fumio Kishida sẽ tiếp tục đường lối của cựu Thủ tướng của Abe là thân Mỹ, thân Đài Loan và chống Trung Quốc; với Đài Loan là cho thấy tình hữu nghị giữa Đài Loan và Nhật Bản sẽ không thay đổi; và cuối cùng là với Trung Quốc, cho thấy Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản sẽ không thay đổi.

Về việc Thủ tướng Kishida sẽ kế thừa đường lối của người tiền nhiệm Abe như thế nào, chuyên gia Tung Li-wen đánh giá rằng có hai chiến lược lớn, bao gồm ngân sách quốc phòng và vấn đề sửa đổi Hiến pháp. Về ngân sách quốc phòng, Chính phủ Kishida đã thông báo vào tháng Tư rằng sẽ tăng lên 2%, nhưng đây mới chỉ là khởi điểm, thực tế như thế nào sẽ rõ trong bản phác thảo kế hoạch phòng thủ của Nhật Bản sắp công bố – kế hoạch được làm mới cứ sau 10 năm.

Về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, ông Tung Li-wen nói rằng mặc dù đây là chuyện chính trị trong nước của Nhật Bản, nhưng cũng có sự trợ giúp của ĐCSTQ như việc ngoại giao hung hăng, ý đồ xâm lược quân sự hay như vấn đề giới dư luận viên nhỏ tuổi (tiểu phấn hồng)…, đã khiến người dân Nhật Bản cảm thấy phải thay đổi quan điểm của lịch sử.